Ôtô bị đốt cháy trong cuộc biểu tình tại Paris, Pháp, ngày 29/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chiều 30/6, Pháp đã tiến hành một cuộc họp an ninh khẩn cấp để đánh giá và thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó tình trạng bạo loạn kéo dài trên khắp cả nước để phản đối vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi hồi đầu tuần này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sớm rời Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra tại Brussels (Bỉ), để trở về nước chủ trì cuộc họp này.
Tại cuộc họp, ông Macron thông báo sau 3 ngày diễn ra bạo loạn tại Pháp, đã có 492 tòa nhà bị hư hại, 2.000 phương tiện bị đốt cháy và 3.880 đám cháy bùng phát.
Cảnh sát đã bắt giữ 875 người trong cuộc bạo loạn đêm 29/6, trong đó 50% là những người sống tại khu vực Paris.
Tổng thống Pháp khuyến cáo các bậc cha mẹ kiểm soát không để con em mình tham gia các cuộc bạo loạn trên đường phố.
Theo ông Macron, có tới 1/3 trong số các đối tượng bị cảnh sát bắt giữ là "những người trẻ hoặc rất nhỏ tuổi," chỉ khoảng 14-15 tuổi.
Nhà lãnh đạo 45 tuổi này nhận định trò chơi điện tử bạo lực đã góp phần kích động những vụ bạo loạn tại Pháp hiện nay.
Ông cho rằng những hình ảnh thực tế cho thấy một số thanh niên dường như đang "tái hiện" trên đường phố các trò chơi điện tử bạo lực mà họ say mê.
Ngoài ra, Tổng thống Macron cũng kêu gọi các nền tảng truyền thông xã hội gỡ bỏ những "nội dung đặc biệt nhạy cảm” liên quan đến những vụ bạo loạn này.
Ông nêu rõ: "Các nền tảng và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong những sự kiện diễn ra gần đây. Chúng tôi nhận thấy những nền tảng này - gồm Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác - đóng vai trò là nơi tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực, tạo ra những kịch bản bạo lực khiến một số thanh niên mất kết nối với thực tế."
Ông cũng cho biết thêm sẽ triển khai thêm cảnh sát chống bạo loạn để kiểm soát tình hình.
Cũng trong ngày 30/6, cơ quan giao thông khu vực IDFM cho biết dịch vụ xe buýt và xe điện ở khu vực Paris sẽ ngừng hoạt động lúc 21h00 mỗi tối cho đến khi có thông báo mới.
Sau các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng giao thông và công cộng trong thời gian xảy ra bạo loạn, IDFM cho biết việc ngừng hoạt động sớm là “vì sự an toàn của nhân viên và hành khách của chúng tôi.”
Trong khi đó, chính quyền tại Marseille - thành phố lớn thứ hai của Pháp - cũng đã ban hành quyết định cấm người dân tổ chức biểu tình ở nơi công cộng vào ngày 30/6. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Marseille cũng sẽ ngừng hoạt động từ 19h ngày 30/6 (theo giờ địa phương).
Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh ngày 30/6 đã cảnh báo công dân nước này về khả năng bị gián đoạn giao thông đường bộ khi tới Pháp, bao gồm cả khả năng áp đặt lệnh giới nghiêm trong bối cảnh tình trạng bất ổn lan rộng khắp nước Pháp.
Trong mục tư vấn đi lại được đăng trực tuyến trên trang chủ, Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ: "Việc đi lại bằng đường bộ có thể bị gián đoạn và việc cung cấp phương tiện giao thông địa phương có thể bị giảm sút, trong khi một số địa phương có thể áp đặt lệnh giới nghiêm.”
Bên cạnh đó, bộ này cũng khuyến cáo công dân Anh nên theo dõi các phương tiện truyền thông, tránh những khu vực đang diễn ra bạo loạn./.