Biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí của Chính phủ tại Paris, Pháp ngày 16/2/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 13/4, Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 380.000 người đã tham gia cuộc tổng đình công toàn quốc lần thứ 12 do các nghiệp đoàn tại nước này tổ chức nhằm phản đối kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của chính phủ.
Trong khi đó, CGT, nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp, khẳng định số người tham gia vượt 1 triệu người.
Cuộc đình công diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Hiến pháp (tòa án hiến pháp) của Pháp dự kiến đưa ra phán quyết đối với kế hoạch cải cách vào tối 14/4.
Cụ thể, hội đồng sẽ quyết định có phê duyệt kế hoạch cải cách hưu trí gây tranh cãi hay không, hoặc bác một phần nội dung cải cách.
Bên cạnh đó, hội đồng cũng sẽ ra phán quyết về đề xuất của phe cánh tả nhằm tiến hành trưng cầu ý dân đối với dự luật thay thế để giới hạn độ tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62.
Để tiến hành bỏ phiếu về dự luật, phe đối lập cần khoảng 4,8 triệu chữ ký ủng hộ của cử tri trong 9 tháng.
Cuộc trưng cầu sẽ chỉ diễn ra nếu lưỡng viện Quốc hội từ chối xem xét dự luật trong 6 tháng tới, tuy nhiên đây là điều khó có khả năng xảy ra.
Quyết định của hội đồng sẽ là "cửa ải" cuối cùng trước khi kế hoạch cải cách này được Tổng thống Emmanuel Macron ký thành luật và thực thi trước cuối năm.
Lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT, ông Laurent Berger, cho rằng nếu chỉ được thông qua một phần, dự luật cần được đưa ra xem xét lại tại Quốc hội.
Do lo ngại các cuộc tụ tập trái phép có thể gây áp lực đối với việc đưa ra quyết định, cảnh sát Paris đã ban hành lệnh cấm biểu tình gần Hội đồng Hiến pháp đến sáng 15/4.
Đầu năm nay, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, theo đó nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu.
Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Kể từ đó đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình và đình công thu hút nhiều người tham gia.
Hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình, nhưng tình hình trở nên căng thẳng hơn khi chính phủ vận dụng một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp để thông qua dự luật tại Hạ viện mà không cần các nghị sỹ bỏ phiếu hồi trung tuần tháng trước.
Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 67% số người được hỏi phản đối kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của Chính phủ Pháp, cho rằng các tiêu chuẩn trong cải cách là không công bằng với phụ nữ và lao động phổ thông.
Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cho rằng các nội dung cải cách là cần thiết để ngăn hệ thống hưu trí bị thâm hụt nặng trong những thập kỷ tới, đưa Pháp vào nhóm các nước châu Âu có độ tuổi nghỉ hưu muộn hơn./.