Theo Reuters và AFP, một nguồn tin quân sự Pháp ngày 11/7 cho biết nước này đã bắt đầu chuyển một số lượng đáng kể tên lửa hành trình tầm xa SCALP cho Ukraine, loại tên lửa này sẽ được tích hợp vào các máy bay chiến đấu của các nước không thuộc phương Tây.
Nguồn tin trên tiết lộ với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Litva rằng: "Các tên lửa đầu tiên đã được chuyển giao (cho Ukraine) khi Tổng thống Emmanuel Macron thông báo điều đó."
Các tên lửa có tầm bắn 250km này sẽ chỉ được sử dụng trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine.
Theo nguồn tin này, Pháp không coi động thái này là một sự leo thang vì Nga đang bắn những tên lửa có tầm bắn xa hơn nhiều.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/7 thông báo EU sẽ dành 544 triệu USD để thúc đẩy sản xuất đạn dược cho Ukraine và bổ sung kho dự trữ của các nước thành viên EU.
Các đại diện của Hội đồng EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận tạm thời ngay trong đêm. Dự kiến thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trước cuối tháng 7.
Theo thỏa thuận, các công ty vũ khí châu Âu sẽ được tài trợ để tăng năng lực sản xuất và giải quyết các khâu bị đình trệ.
Kế hoạch này là phần thứ ba trong nỗ lực của EU nhằm cung cấp thêm đạn dược và vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là đạn pháo 155 mm mà Kiev đang đề nghị.
Tháng trước, EU cũng đã nhất trí bổ sung 3,5 tỷ euro (3,8 tỷ USD) vào Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), quỹ được dùng để viện trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh liên minh này tiếp tục muốn hỗ trợ Kiev.
Theo EU, kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine đến nay, nước này đã nhận được khoảng 15 tỷ euro (16,3 tỷ USD) tiền hỗ trợ vũ khí từ các nước thành viên liên minh này và EPF.
EU cũng đang huấn luyện hàng nghìn binh sỹ Ukraine và hồi tháng 2, liên minh này thông báo rằng 30.000 binh sỹ sẽ được huấn luyện vào cuối năm nay.
Ngoài EU, còn nhiều quốc gia khác hỗ trợ cho Ukraine. Ngày 27/6, Mỹ cũng công bố đợt cung cấp vũ khí mới trị giá 500 triệu USD cho Ukraine để hỗ trợ cuộc phản công của Kiev chống lại lực lượng Nga, trong đó có xe bọc thép, đạn chính xác và thiết bị rà phá bom mìn.
Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ thứ 41 của Washington cho Kiev kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu bao gồm 30 xe chiến đấu Bradley và 25 xe chở quân Stryker, nhiều tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot và Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS); vũ khí cỡ nhỏ và hơn 22 triệu viên đạn và lựu đạn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken khẳng định “gói viện trợ an ninh” này có mục đích hỗ trợ cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine và đã được căn chỉnh theo đúng nhu cầu thực tế chiến trường của các đơn vị này.
Trong số này, các xe tăng Braley và xe chở quân Stryker sẽ thay thế các xe bị hư hại trong chiến dịch.
Trước đó, hồi tháng 4, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã công bố thông tin chi tiết về gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,6 tỷ USD dành cho Ukraine, trong đó có đạn dược cho Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo và vũ khí hạng nhẹ./.