Giáo dục - Đào tạo

Phân luồng học sinh ở Đắk Nông vẫn chưa hiệu quả

Nguyễn Hiền 10/07/2023 14:24

Số lượng học sinh nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 10, THPT cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh vẫn diễn ra phổ biến ở các nhà trường. Điều này cho thấy việc phân luồng học sinh ở Đắk Nông còn hạn chế.

ADQuảng cáo

"Dôi dư" hơn 1.700  học sinh

Theo kế hoạch tuyển sinh, các nhà trường bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh từ ngày 6/6 đến 13/7. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ tiếp nhận ở nhiều trường hiện nay đã vượt tương đối lớn so với chỉ tiêu. Tại Trường THPT Gia Nghĩa (Gia Nghĩa) có chỉ tiêu tuyển sinh được giao 340 em. Thực tế hồ sơ đến thời điểm hiện tại, trường đã nhận là 640 hồ sơ, vượt 300 hồ sơ.

img_4804(1).jpg
Trường Cao đẳng Cộng đồng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa)

Tại Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV mới đây, đại biểu Nguyễn Đức Hải, Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh cho rằng hiện nay trên địa bàn TP. Gia Nghĩa có 4 trường THPT, nhưng chỉ có 2 trường tuyển sinh vào lớp 10 học sinh trên địa bàn (2 trường còn lại là trường chuyên biệt). Theo thống kê, năm học 2022-2023 thành phố có khoảng trên 1.200 học sinh lớp 9 tốt nghiệp nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 chỉ là 680 học sinh, có nghĩa hơn 500 học sinh phải tìm nơi khác, hoặc hình thức theo học khác nếu có nhu cầu. Trong khi đó, các địa phương lân cận cũng được tham gia xét tuyển vào lớp 10 các trường công lập trên địa bàn thành phố nên dẫn đến quá tải.

Không riêng Gia Nghĩa, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 10.944 học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2023-2024 chỉ có 9.180 em, có 1.764 học sinh “dôi dư” không thể vào học THPT công lập.

Khó khăn trong phân luồng học sinh

ADQuảng cáo

Năm học 2023-2024, công tác tuyển sinh vào lớp 10 có giảm nhiệt hơn nhưng cũng đang là vấn đề được quan tâm.

Thời gian qua, ngành Giáo dục triển khai thực hiện Quyết định 522 của Thủ Tướng Chính phủ, Quyết định 1094 của UBND tỉnh về “Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018- 2025”.

Mục tiêu đặt ra là 70% học sinh được định hướng học tiếp bậc THPT, 30% học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề phù hợp. Tuy nhiên, việc phân luồng thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân một phần do nhiều phụ huynh và học sinh vẫn nặng tâm lý học xong THCS phải học tiếp THPT, không xét đến khả năng và năng lực thực tế của mình. Cùng với đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay về cơ bản chưa đáp ứng hết nhu cầu học nên chưa thu hút được học sinh trên địa bàn tham gia.

Đại biểu Nguyễn Đức Hải cho rằng: “Khi phân luồng đưa vào giáo dục hướng nghiệp thì các trung tâm giáo dục thường xuyên phải ngang tầm với giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay, nhìn chung cơ sở vật chất chưa được ngang tầm các trường THPT. Chất lượng giáo dục chưa đủ độ tin cậy cho phụ huynh. Đồng thời, công tác tuyên truyền để cho phụ huynh hiểu rằng hướng nghiệp là đưa lại cơ hội cho con em mình chưa được chú trọng. Trong khi đó, công tác đào tạo hướng nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của học sinh”.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, ngành đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên để tuyển sinh vào THPT. Để đáp ứng nhu cầu phát triển về lâu dài thì quy hoạch phát triển thêm các trường THPT được ngành chú trọng tham mưu cấp có thẩm quyền. Riêng địa bàn TP. Gia Nghĩa, Sở sẽ phối hợp quy hoạch xây thêm trường THPT, đồng thời xã hội hóa thành lập các trường THPT tư thục, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, các địa phương, các trường tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về ý nghĩa của công tác phân luồng học sinh, chọn hình thức học phù hợp.

ADQuảng cáo
(7) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân luồng học sinh ở Đắk Nông vẫn chưa hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO