Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Phân định rõ quyền, trách nhiệm của Đoàn viên Công đoàn với người lao động

Đức Diệu 18/06/2024 14:54

ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai cho rằng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) chưa phân định rõ quyền, trách nhiệm của Đoàn viên Công đoàn với người lao động.

ADQuảng cáo

Tiếp tục chương trình, sáng 18/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông hoàn toàn thống nhất với quan điểm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn với những điểm chính như mở rộng đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.

Mai 18
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng dự thảo Luật Công đoàn cần cân nhắc, nghiên cứu sắp xếp, bổ sung thêm 1 chương, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của người lao động

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) chưa phân định rõ quyền, trách nhiệm của Đoàn viên Công đoàn với người lao động, phần lớn áp dụng quy định theo cách hiểu khi tham gia công đoàn cơ sở thì người lao động sẽ trở thành đoàn viên công đoàn và có quyền, trách nhiệm tương ứng. Nhưng nếu nhìn về tổng quan thì khái niệm người lao động bao hàm, rộng hơn, gồm nhiều nhân tố như công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, lao động. Từ đó phải có những chế định đặc thù riêng cho từng nhân tố.

Trên hết, xét về khía cạnh nhân văn, người lao động do Luật Công đoàn điều chỉnh hướng đến tuyên truyền, vận động, hỗ trợ,… còn có một bộ phận chưa là đoàn viên công đoàn. Vì vậy, để bảo đảm thống nhất với đối tượng áp dụng đã được mở rộng tại Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này, cần cân nhắc, nghiên cứu sắp xếp, bổ sung thêm 1 chương, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của người lao động.

Toàn 18
Phiên thảo luận tại hội trường sáng 18/6

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng góp ý một số nội dung cụ thể ở một số điều khoản. Tại khoản 1 Điều 1 (Công đoàn Việt Nam) có định nghĩa công đoàn Việt Nam là “…đại diện cho công nhân, cán bộ, công chức, viên chức, lao động (sau đây gọi chung là người lao động)”. Khi đối chiếu với các luật khác trong hệ thống pháp luật như Bộ luật Lao động; Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức thì các từ “cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” đã được định nghĩa rõ ràng. Tuy nhiên, các từ “công nhân, lao động” rất phổ biến nhưng chưa chính thức được định nghĩa tại văn bản pháp luật nào, còn gây nhiều tranh luận trong cách hiểu. Do đó, đề nghị bổ sung vào giải thích từ ngữ các từ “công nhân, lao động” để có cơ sở pháp lý ổn định, cụ thể.

Đối với 2 phương án được nêu ra tại Điều 5 (Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn), đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1.

Tại khoản 6 Điều 25 (Trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động đối với Công đoàn) quy định: “Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng,... theo quy định của pháp luật”, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị sửa thành: “Chịu trách nhiệm chính và phối hợp với công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và quy chế dân chủ ở cơ sở... theo quy định của pháp luật” để phù hợp với thực tiễn thi hành.

Đối với 2 phương án được nêu ra tại Điều 30 (Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn), đại biểu Dương Khắc Mai thống nhất lựa chọn phương án 1 vì thực tiễn cho thấy nếu quy định một tỷ lệ xác định phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp và giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như trong phương án 2 sẽ gây khó khăn, không khả thi để áp dụng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình hình ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn trong mỗi giai đoạn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân định rõ quyền, trách nhiệm của Đoàn viên Công đoàn với người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO