Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển mục đích sử dụng đất

09/06/2023 19:39

Đại biểu Quốc hội đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển mục đích sử dụng đất; quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển mục đích sử dụng đất - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hà Sĩ Đồng: Nên cân nhắc để phân cấp theo quy mô diện tích chuyển mục đích sử dụng đất, những dự án yêu cầu lớn về đất đai vẫn cần sự chấp thuận của Chính phủ.

Tham gia thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay 9/6, ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra. ĐBQH cũng thể hiện sự quan tâm đối với cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và câu chuyện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Luật ban hành mà không giảm được khiếu nại tố cáo lên đến 70-80% hiện nay thì vẫn là sự thất bại

Liên quan đến trên 12 triệu lượt ý góp ý vào dự thảo luật, ĐBQH đề nghị trong báo cáo cần thể hiện thêm tỷ lệ ý kiến đồng tình, tỷ lệ ý kiến chưa đồng tình hoặc còn quan điểm khác.

 Từ đó Đại biểu mới nắm bắt được nguyện vọng của cử tri và đa số nhân dân để tham gia các ý kiến tại kỳ họp. “Bởi suy cho cùng, đại biểu có góp ý nhiều đến đâu mà luật được ban hành không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, không giảm được khiếu nại tố cáo lên đến 70-80% hiện nay thì vẫn là sự thất bại,” ông Đồng đặt vấn đề.

Về quy hoạch sử dụng đất, Đại biểu thể hiện sự nhất trí với quy định Luật đã thể chế hóa đòi hỏi thực tiễn phải đổi mới để nâng cao chất lượng của quy hoạch sử dụng đất bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ; nội dung quy định quy hoạch sử dụng đất đã khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo 3 khu vực gồm khu vực quản lý nghiêm ngặt, khu vực hạn chế và khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đối với đất rừng và đất lúa nước.

Quy định kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng từng loại đất đất và xác định không gian (vị trí, ranh giới, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đến từng thửa đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện); điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; tổ chức thực hiện quy hoạch (Điều 71 dự thảo Luật), kế hoạch sử dụng đất (Điều 74 dự thảo Luật); lấy ý kiến, công khai quy hoạch sử dụng đất (Điều 68 dự thảo Luật).

Tuy vậy, thực tiễn tồn tại là quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, quy hoạch thiếu ổn định, tình trạng thiếu thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất khá phổ biến ở tất cả các cấp quy hoạch; khó có thể tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất để tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung tại chương V của Luật này về nội dung cơ bản, nguyên tắc tích hợp chung về quy hoạch sử dụng đất trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch các ngành, lĩnh vực để giảm thiểu sự thiếu thống nhất ngay từ đầu, đồng thời quy định về giải quyết khi có sự xung đột về quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển mục đích sử dụng đất - Ảnh 2.

Thể chế hóa mạnh mẽ tư tưởng phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho địa phương

Đối với thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng Dự thảo Luật quy định tại Điều 122 đã thể chế hóa mạnh mẽ tư tưởng phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho địa phương, theo đó phân cấp cho HĐND cấp tỉnh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước khi UBND cấp có thẩm quyền quyết định bằng văn bản để thực hiện; đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định về điều kiện, tiêu chí, chế tài để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất này.

“Chúng tôi thấy rằng, pháp luật hiện hành quy định chặt chẽ việc quản lý việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất này (đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ quy mô trên 20 ha, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên) phải được Chính phủ chấp thuận bằng văn bản. 

Việc tập trung quản lý quá mức vào Trung ương như hiện nay đang có nhiều hệ lụy về phân cấp, phân quyền, không phát huy được sự sáng tạo của địa phương, giảm hiệu quả tính cơ hội, tăng chi phí xã hội và chưa quán triệt tư tưởng cải cách nền hành chính nhà nước.

Tuy vậy, thực tiễn cần thiết quản lý các loại đất này trong thời gian qua cũng xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, giảm thiểu tác động có tính cục bộ lợi ích địa phương mà thiếu cân nhắc cân đối tổng thể bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, khu vực, và phát triển bền vững quốc gia, nhất là trước yêu cầu chiến lược về đảm bảo an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; ở góc độ nhất định, nó cũng xuất phát từ trình độ quản lý của chúng ta và phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực ngay từ sớm,” Đại biểu phân tích từ thực tế tại đại phương.

Với góc độ tiếp cận như vậy, ĐBQH Hà Sỹ Đồng cho rằng tăng cường phân cấp về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên là phù hợp thực tiễn đòi hỏi, tuy vậy cũng không nên chuyển “thái cực” một cách “quá tả” theo kiểu suy nghĩ Trung ương sẽ “buông” việc này cho địa phương, chắc chắn những hệ lụy đã xảy ra những năm trước đây sẽ khó tránh khỏi, ngay cả khi chúng ta đã tăng cường thể chế pháp lý.

Đề xuất phân cấp theo quy mô diện tích chuyển mục đích sử dụng

Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng, với sự phân tích trên đây, đề nghị nên cân nhắc để phân cấp theo quy mô diện tích chuyển mục đích sử dụng, những dự án yêu cầu lớn về đất đai vẫn cần sự chấp thuận của Chính phủ, quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII.

Luật vẫn nên quy định, Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với dự án sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha, đất rừng đặc dụng trên 20 ha, đất rừng phòng hộ trên 50 ha, đất rừng sản xuất trên 200 ha. 

Đối với các dự án có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn, phân cấp cho địa phương như quy định tại Điều 122 của Dự thảo Luật, đồng thời cũng cần bổ sung quy định việc chia nhỏ các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để “lách luật”, giữ lại thẩm quyền ở địa phương.

Về quy định tại điểm a khoản 1 Điều 121, để đảm bảo thống nhất giữa Dự thảo Luật và tại các Điều 15, 19,19, 20, 21, 23 của Luật lâm nghiệp hiện hành đang phù hợp với thực tiễn, chúng tôi đề nghị bỏ cụm từ “là rừng tự nhiên”. Điểm này viết lại là “a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;”

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển mục đích sử dụng đất - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan: Cần tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng.

Đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp

Đóng góp ý kiến về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa được quy định tại Điều 46, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị chỉnh sửa quy định dự án Luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. 

Trong đó, có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng là “tổ chức” phân biệt với đối tượng nhận chuyển nhượng là “cá nhân” không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa việc lợi dụng quy định này để đầu cơ đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu chính sách.

 Đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định đối với cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 46 dự thảo Luật (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận).

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra nên nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phan-cap-phan-quyen-manh-me-hon-nua-trong-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-119230609192908186.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phan-cap-phan-quyen-manh-me-hon-nua-trong-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-119230609192908186.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển mục đích sử dụng đất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO