Phân bón, tàu khai thác thủy sản không chịu thuế GTGT là phù hợp
Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều cho rằng, đối với việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón, Tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển theo Điều 9 của dự thảo.
Nếu giữ quy định của luật hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm. Từ đó, làm giảm tính cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% thì sẽ xử lý được bất cập liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng giá bán phân bón; từ đó, tác động đến sản xuất nông nghiệp, đến đời sống của người dân.
Qua nghiên cứu Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Chính phủ thì đa phần nêu những quan điểm tích cực khi áp dụng mức thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón; chưa làm rõ, chưa đủ sức thuyết phục đối với các tác động nhiều chiều và tiêu cực đến người dân.
Trong báo cáo có nêu: “Mặt bằng giá của phân bón trên thị trường trong nước sẽ không bị tác động lớn do phân bón sản xuất trong nước hiện chiếm hơn 73% thị phần và có khả năng giảm giá bán”. Đây là trong điều kiện các yếu tố khác như giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới không biến động bất thường (không tăng). Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón vô cơ trong nước cũng chỉ đáp ứng một phần, còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việc đánh giá có khả năng giảm giá bán là khó khả thi khi việc này không được luật pháp quy định mà chỉ dựa trên cơ sở tổng hợp đánh giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh theo quy định của pháp luật, vận hành theo kinh tế thị trường, việc này cũng không thể bảo đảm có diễn ra hay không? Vì Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp làm điều này.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những mục tiêu, giải pháp rất cụ thể như: nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm.
Môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, khi ban hành các chính sách cần đặc biệt coi trọng những yếu tố có lợi cho người dân, không làm tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến người dân.
Do đó, đại biểu Kiều đề nghị Giữ như quy định hiện hành, mặt hàng phân bón chuyển sang Điều 5 về các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là phù hợp.
Tương tự, việc Giữ như quy định hiện hành (Tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chuyển sang Điều 5 về các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng)”. Vì như vậy, sẽ góp phần hỗ trợ tối đa cho ngư dân vươn khơi bám biển, nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đảm bảo thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước với các lý do tương tự như đối với phân bón đã nêu trên.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định bổ sung cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc triển khai thi hành Luật, không quy định việc “Giao Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định mức độ điều chỉnh tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng và thời điểm thực hiện để mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với xu thế chung của khu vực và quốc tế.” vào điều khoản thi hành tại Điều 17 của dự thảo về hiệu lực thi hành.