Tranh minh họa |
Mới đây, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm đối với Lê Thị Lan, trú tại xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) và 4 bị cáo khác về tội cưỡng đoạt tài sản.
Mấu chốt của vụ án từ việc anh Huỳnh Văn Dương, ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) nợ 60 triệu đồng tiền vật liệu xây dựng của một đại lý do ông Trần Văn Thạch làm chủ, tại xã Đắk Ru. Mặc dù vợ chồng ông Thạch đã nhiều lần đòi tiền nhưng anh Dương khất lần chưa trả nợ. Để đòi nợ, bà Lê Thị Lan (vợ ông Thạch) đã gọi người đến nhà Dương để đòi nợ.
Thấy bà Lan cùng nhiều người đến nhà, Dương bỏ chạy vào nhà, khóa hết cửa lại để tránh gặp mặt. Bà Lan đứng cạnh cửa sổ gọi Dương ra trả nợ không được nên tuyên bố, nếu không trả nợ sẽ hốt hết cà phê để siết nợ.
Không đòi được nợ, bà Lan kêu con rể gọi thêm người vào phụ hốt cà phê của Dương để ở ngoài để siết nợ. Theo đó, cả nhóm đã hốt toàn bộ cà phê nhân, cà phê quả khô, tươi tại sân nhà anh Dương cho vào bao rồi đem đi.
Lúc này, một cán bộ công an huỵện phụ trách nắm địa bàn xã Đắk Ngo đã can ngăn và yêu cầu bà Lan ngừng hốt cà phê, trả lại số cà phê đã hốt cho anh Dương nhưng bà Lan không đồng ý. Vụ việc sau đó được lập biên bản để xử lý theo quy định của pháp luật. Quá trình lập biên bản, người phía bà Lan vẫn tiếp tục hốt cà phê chuyển lên xe công nông chở đi…
Vì vậy, TAND huyện Tuy Đức đã mở phiên xét xử sở thẩm và tuyên phạt bị cáo Lê Thị Lan 2 năm tù, Phan Kỳ Phong 2,5 năm tù cho hưởng án treo; các bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, Dương Ngọc Tiến, Trần Quốc Tùng mỗi bị cáo 2 năm tù cho hưởng án treo.
Theo các cơ quan chức năng, trong đời sống xã hội có rất nhiều mối quan hệ dân sự không được giải quyết một cách kịp thời đúng với bản chất của sự việc dẫn đến những hậu quả sau đó. Điều mà nhiều người dễ vi phạm nhất là cách giải quyết các vụ tranh chấp dân sự, đòi nợ, giải quyết tranh chấp tài sản, thành những vụ ẩu đả, cố ý gây thương tích.
Nhiều người chỉ vì đòi nợ mà trở thành bị cáo trong những vụ án cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích… Từ chỗ chỉ là những mâu thuẫn trong quan hệ dân sự, người đòi nợ đã phải vướng vào lao lý chỉ vì giải quyết vụ việc theo kiểu "xã hội đen".
Khi xảy ra các vấn đề tranh chấp tài sản liên quan đến chuyện vay mượn không thể tự giải quyết thì tốt nhất người dân nên khởi kiện ra tòa để bảo đảm quyền và lợi ích của mình, đừng vì thiếu hiểu biết mà dẫn đến phạm pháp.
Đối với các chủ nợ, không vì chuyện đòi lại tài sản mà dẫn đến các hành vi như: bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, chiếm giữ nhà trái phép, gây rối trật tự công cộng..., vì các hành vi này là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự.