Phạm luật vì biển báo
Tôi có người bạn ở tỉnh ra thành phố tham dự hội thảo. Anh nán lại vài ngày, mượn xe hơi của tôi, tự lái để thăm thú đó đây. Đường lạ, xe mượn nên anh chạy rất mò mẫm, sợ bị phạt.
Khi qua một cây cầu ở Quận 12, anh thấy một chiếc xe tải đang chạy bỗng dừng lại ngay trước lối vào cầu, gây ùn tắc cả một đoạn đường. Bạn tôi xuống xe, tới gần xe tải tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra. Hóa ra, tài xế xe tải đang không biết nên đi tiếp hay quay lại. Xe anh tải trọng 5 tấn, trong khi biển báo phía trước chỉ cho phép xe dưới một tấn qua cầu. Người lái xe bối rối bởi cũng cây cầu này, ở chiều ngược lại anh vừa chạy qua trước đó, thì tải trọng cho phép là 30 tấn.
Chuyện khó tin này đã tồn tại nhiều năm nay trên cây cầu Sắt Sập, cách nhà tôi không xa. Nay nhân chuyện bạn tôi vừa kể, tôi đành ra tận nơi, ghi hình lại. Chính xác thì "cây cầu hai tải trọng" này được cắm tới ba tấm biển báo. Biển tải trọng 30 tấn cắm ở bên phải, phía đầu cầu hướng về UBND Quận 12. Ở chiều ngược lại, cắm ở cả hai bên trái và phải là hai biển báo tải trọng dưới một tấn.
Khi tôi đưa những hình ảnh này lên trang cá nhân, nhiều người đã chia sẻ cách lý giải riêng của họ về những tấm biển. Tựu trung lại, tôi thấy có ít nhất ba cách hiểu. Thứ nhất, có thể cây cầu gặp vấn đề gì đó khiến một chiều chịu được tải trọng 30 tấn nhưng chiều kia chỉ chịu được một tấn. Thứ hai, biển báo một tấn không phải dành cho cây cầu, mà là dành cho hai con đường nhánh, nằm bên cạnh cây cầu, nhưng vì lý do gì đó, chúng đã được cắm sai vị trí. Thứ ba, biển báo một tấn là của cầu cũ trước đây, chưa được dỡ bỏ.
Bất luận vì lý do gì, thì sự "xung đột" trong những tấm biển vẫn đang tồn tại ở hai phía của cây cầu, nơi có hàng trăm chiếc xe tải qua lại mỗi ngày.
Tôi từng kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, có hàng chục năm đi khắp mọi nẻo đường đất nước, nên không còn lạ gì những tấm biển báo giao thông bất ổn. Vốn là "lái già", lại rất cẩn thận, tuân thủ luật, biết đọc biển báo, nhưng tôi không ít lần bị phạt oan vì những tấm biển có mà như không, thậm chí đánh đố, cài bẫy người đi đường. Có thể kể ra rất nhiều vấn đề thiếu hợp lý trong việc lắp đặt, thiết kế biển báo giao thông ở Việt Nam hiện nay, nhưng tôi muốn đề cập đến một số điểm nổi cộm sau.
Thứ nhất là biển báo giao thông khó quan sát, vì nhiều lý do: diện tích biển báo quá bé, biển cắm quá thấp, bị che khuất tầm nhìn bởi cây cối hoặc xe cộ... Các biển báo theo quy chuẩn hiện nay thường được bố trí bên phải đường, cao chỉ khoảng 2-2,5 m. Trong khi đó, đường sá hiện đã mở rộng đến cả chục làn khiến tài xế chạy ở làn trong cùng bên trái rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể quan sát được biển báo từ lề đường bên phải. Còn các xe tải nay đã cao tới 4-5 m. Tôi không ít lần chạy ở làn trái và bị xe tải ở làn bên phải che hoàn toàn các biển báo suốt chặng đường dài. Vì vậy, khi hạ tầng phát triển hơn, việc cải tiến cách lặp đặt biển báo, bổ sung thêm biển phụ ở bên trái đường, hoặc ở các vị trí cao, trên giá long môn là điều cần thiết.
Vấn đề thứ hai là khoảng cách đặt biển báo và hiệu lực biển báo. Khoảng cách này ở rất nhiều cung đường được tính toán thiếu hợp lý, khoa học, khiến tài xế rơi vào cảnh hoảng loạn điều chỉnh tốc độ, rất dễ gây ra sự cố giao thông. Với sự phát triển mạnh các cao tốc lên tới 90-120 km/h hiện nay, khoảng cách đặt biển báo và vị trí hiệu lực cần đủ xa để tài xế có thời gian giảm tốc độ. Biển báo, nếu được đi kèm với hướng dẫn còn bao nhiêu mét nữa tới vị trí hiệu lực thì sẽ giúp tài xế chủ động và dễ chấp hành hơn nhiều.
Cuối cùng, nhưng chắc chắn chưa hết, là tính trực quan, dễ hiểu của biển báo giao thông. Tài xế chỉ có vài giây để vừa quan sát đường, vừa đọc biển báo, vì vậy, hình vẽ biểu thị phải rất rõ ràng, ngôn ngữ phải cô đọng. Trong khi trên đường phố hiện có không ít biển báo được thiết kế chi chít cả chữ và số, bao gồm loại xe, tải trọng, thời gian và hướng lưu hành, khiến nhiều tài xế trót đi vào nhầm đường trước khi kịp hiểu ra hướng lưu thông đúng của mình.
Một số biển báo thậm chí còn trích dẫn cả nghị định, nghị quyết. Một lần, trên đường Lê Lai, Quận 1, tôi bắt gặp tấm biển phụ treo ngay dưới biển báo cấm các loại xe "ngoại trừ xe ôtô đến 16 chỗ, xe tải từ 2,5T trở xuống có sử dụng ứng dụng công nghệ, theo Nghị quyết số 01/2018/NQ - HĐND ngày 16/3/2018 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh".
Tôi dừng xe, thử đọc và mất hơn 10 giây cho tấm biển này. Thử hình dung, đường sẽ ùn tắc tới đâu nếu các tài xế phải dừng tới 5-10 giây cho các biển báo.
Trong khi có những biển báo diễn giải dài dòng bằng chữ, thì cũng có những biển, tuy chỉ có hình nhưng vẫn rườm rà trong chính cách thể hiện hình ảnh. Chẳng hạn có ông bạn già của tôi đã ngây người mất mấy giây trước tấm biển vẽ một ông lão lưng đeo ba-lô, tay chống gậy, theo sau là cô gái mặc váy ngắn gợi cảm. Sau khi hiểu ra ý nghĩa, ông thốt lên: "Trời đất ơi, sao phải trình bày phức tạp như thế chỉ để báo lối đi dành cho người đi bộ. Mém chút nữa thì tui đã nghĩ bậy bạ rồi".
Tôi tin là cánh tài xế chuyên nghiệp sẽ còn có thể chỉ ra nhiều bất cập hơn nữa của biển báo và cách đặt biển báo giao thông hiện nay.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu rà soát, khắc phục bất cập về báo hiệu đường bộ. Chẳng hạn, trong năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã dỡ bỏ hơn 3.200 biển báo bất hợp lý trên khắp cả nước.
Điều chỉnh biển báo giao thông không phải là việc quá khó, hoặc tiêu tốn kinh phí quá lớn, nếu so với nguồn lực được dành cho cơ sở hạ tầng. Ngoài các đợt rà soát của bộ ngành chuyên trách, đơn vị vận hành và quản lý các tuyến đường hoàn toàn có thể huy động sự đóng góp của người tham gia giao thông, bằng việc tạo cơ chế, kênh tiếp nhận tin báo về các biển hiệu bất hợp lý.
Để có đường giao thông, quốc dân đã đầu tư bao nhiêu tài lực, nhưng để vận hành hạ tầng thật tốt, không gây ức chế cho tài xế, không gây thất thiệt nguồn lực thì biển báo phải thực sự là công cụ hữu ích.
Tác dụng lớn nhất của biển báo, không phải để làm căn cứ xử phạt, mà để bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông.