PGS.TS Vũ Minh Khương: Không thụ động chờ đại bàng đến nữa. Phải chủ động sát cánh cùng đại bàng để kiến tạo tương lai!

29/05/2023 06:45

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Việt Nam phải chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động gắn kết với các đại doanh nghiệp của thế giới để chuẩn bị cho tương lai. Không chờ đại bàng đến nữa mà phải thực sự sát cánh cùng đại bàng. Đây là bài toán mà Việt Nam phải có chuyển động rất lớn trong thời gian tới, phải thực sự biến nguồn lực trở thành thực lực chiến lược.

PGS.TS Vũ Minh Khương: Không thụ động chờ đại bàng đến nữa. Phải chủ động sát cánh cùng đại bàng để kiến tạo tương lai! - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Minh Khương: Không thụ động chờ đại bàng đến nữa. Phải chủ động sát cánh cùng đại bàng để kiến tạo tương lai!

Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" để thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đồng thuận nhận định rằng, trong bối cảnh bề bộn khó khăn của kinh tế toàn cầu, việc Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thu – chi,… là những kết quả rất đáng trân trọng.

Trao đổi về định hướng điều hành kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhấn mạnh 3 điểm.

Sẵn sàng đối mặt với các "cú sốc" kinh tế cả từ bên trong lẫn bên ngoài

Trước tiên ông cho rằng, khi nói về chuẩn bị cho các cú sốc bên ngoài thì với một nền kinh tế phát triển như Việt Nam thì cũng cần chuẩn bị cho các cú sốc bên trong. Bởi "chúng ta có thể có những cú sốc, những khủng hoảng cục bộ ở đâu đó, doanh nghiệp này, ngân hàng kia, nên cũng phải sẵn sàng, chứ không phải chỉ bên ngoài". 

Theo PSG.TS Vũ Minh Khương, đây cũng là bài toán "mà thế giới họ cũng phải định hướng rõ. Đó là tạo ra những buffer (lớp đệm) để thẩm thấu những gì có thể xảy ra. Ví dụ như trái phiếu vỡ nợ thì giải quyết như thế nào? 

Nói cách khác là thế nào cũng có người đi cấp cứu thì cứu chữa như thế nào? Cần khu trú tất cả những vấn đề không ảnh hưởng tới tâm tý mọi người. Anh nào làm tốt vẫn tiến lên, còn anh nào ngã xuống là có cứu thương chữa ngay. Đấy là chuẩn bị tình huống".

Nền móng của chúng ta vững vàng

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương: "Cái thứ hai quan trọng hơn, nền tảng hơn là nền móng của chúng ta đang khá vững. Đây là ưu việt của chúng ta. 

Nước ngoài nhìn vào Việt Nam thấy nền chính trị rất vững, tâm thế của người dân vững vàng, lạc quan, hệ thống chính trị tốt. Chính phủ điều hành bài bản, quyết liệt. Đấy là cái rất đáng mừng. 

Làm sao chúng ta duy trì được đoàn kết, gắn bó trong toàn dân để mọi việc thực sự trên dưới một lòng, đưa đất nước đi đến ổn dịnh. 

Quốc hội đang họp và nên gửi ra những thông điệp như thế để thể hiện sự nhất quán rất là cao trong hệ thống chính trị của chúng ta, đưa đất nước đi đến phồn vinh. Chúng ta chỉ còn hơn 25 năm nữa thôi, rất là ngắn".

Thế giới đã đổi thay, cả hệ thống phải sẵn sàng thích ứng

Điểm thứ ba, theo PGS.TS Vũ Minh Khương, đây là vấn đề quan trọng nhất và cũng là điểm thách thức nhất: "Đó là chúng ta phải nhận thức thế giới đã đổi thay, có những cái không chỉ là bất thường, mà là không thể tưởng tượng được nó có thể xảy ra, sẽ xảy ra. 

Bên cạnh đó, có những xu thế thay đổi ghê gớm, như ChatGPT. Tôi dạy học sinh cũng phải đổi mới căn bản luôn, tức là bây giờ yêu cầu ChatGPT làm như thế nào thì anh phải làm hay hơn thì mới được điểm cao. Tức là trí tuệ nhân tạo phát triển rất nhanh. 

Hay là kinh tế xanh. Ví dụ như Philippines xác định có 178 GW ngoài khơi, bây giờ thu hút đầu tư như thế nào, sản xuất ra halogen hay điện. 

Ta có một mảng lớn trên Biển Đông vừa để bảo vệ chủ quyền vừa sản xuất. Cần khảo sát xem năng lượng, nguồn lực bao nhiêu để thu hút đầu tư nước ngoài. Như Singapore, ví dụ thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu mà không có năng lượng xanh là họ không đồng ý đầu tư. Lấy ở đâu ra cũng là cả vấn đề. 

Nhưng Việt Nam thì có điều kiện như thế, cho nên năng lượng xanh chúng ta phải tốt hơn nữa. Tôi cảm nhận thấy, nhiều bộ phận trong hệ sinh thái của chúng ta giờ chưa bắt nhạy với kinh tế xanh thật tốt. Cái này là bắt kịp xu thế".

Việt Nam thể hiện là một thành viên có trách nhiệm và có tầm

PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh: "Về hợp tác quốc tế của chúng ta, tôi cho là tuyệt vời. Chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Thượng đỉnh G7 vừa rồi ở Nhật Bản được đánh giá rất cao. 

Nước ngoài họ nhìn vào, nước ta tham dự và có phát biểu rất xác đáng, đi vào lòng người. Như vậy hợp tác quốc tế của chúng ta không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế nữa mà rõ ràng là cả tham gia vào hệ thống ổn định của thế giới như một thành viên rất có trách nhiệm và có tầm. 

Việt Nam là nước có tầm trong định hướng phát triển tương lai của thế giới, làm sao để thúc đẩy được hòa bình, hữu nghị và phồn vinh.

Phải đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nền tảng kinh tế hiện đại

Một lần nữa, PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh: Rõ ràng phải đổi mới mô hình kinh tế, từ việc nhân lực rẻ trở thành nhân lực cao như thế nào là một bài toán tất cả các địa phương phải suy nghĩ đến. Hiện giờ là "chúng tôi có nhân lực rẻ, đất rẻ, cứ vào đây" là không được. Phải là nhân lực cao.

Hai là chúng ta nghĩ tháo gỡ môi trường kinh doanh cho đỡ khó khăn, tức là đỡ quấy nhiễu doanh nghiệp, đã là tốt rồi. Không phải! Giờ chúng ta phải xây dựng nền tảng của một nền kinh tế hiện đại. 

Chúng ta phải nhanh chóng vượt qua giai đoạn giảm phiền hà, và từ chỗ giảm phiền hà chuyển thành đội quân tinh nhuệ yểm trợ cho các doanh nghiệp tiến lên. Làm sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hay Bộ Tài chính gửi đội quân tinh nhuệ xuống các địa phương, địa phương nào muốn đột phá, chúng tôi yểm trợ ngay. 

Tôi thấy cán bộ của các anh rất xuất sắc và tâm huyết, các Bộ trưởng, Thứ trưởng cũng rất tuyệt vời. Nhưng cần làm sao để tạo thành động lực. Chúng ta có năng lực nhưng chưa có hệ thống động lực tốt để làm hết lòng. Ông Park Hang-seo nói với tôi, bí quyết của ông để đem lại thành công cho đội bóng Việt Nam là tạo ra cái cộng hưởng. Việt Nam chưa tạo ra được sức mạnh tổng lực.

Sát cánh cùng đại bàng

Điểm thứ ba trong nắm bắt xu thế là chúng ta phải chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động gắn kết với các đại doanh nghiệp của thế giới để chuẩn bị cho tương lai, như kinh nghiệm của Singapore. Cần học xem chiến lược tương lai của họ như thế nào, Việt Nam định vị ra sao để giúp họ tiến lên. 

Trong thời gian tới, chúng ta chủ động không chờ đại bàng đến nữa mà thực sự sát cánh cùng đại bàng để giải quyết nhiều vấn đề. Đây là bài toán Việt Nam phải có chuyển động rất lớn trong thời gian tới, phải thực sự biến nguồn lực trở thành thực lực chiến lược. 

Có nguồn lực mà đổ vào những cái không chuẩn thì dễ vướng bẫy thu nhập trung bình, tức là chỉ biến thuận lợi thành khó khăn. Bẫy thu nhập trung bình thật ra đơn giản tức là có thuận lợi nhưng không biết dùng nó để biến thành thành quả lớn mà khiến nó thành khó khăn cho doanh nghiệp. 

"Đấy là những cái mà chúng ta hết sức chú ý trong việc tăng sự ứng đáp hệ sinh thái kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới", PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/pgsts-vu-minh-khuong-khong-thu-dong-cho-dai-bang-den-nua-phai-chu-dong-sat-canh-cung-dai-bang-de-kien-tao-tuong-lai-11923052906443772.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/pgsts-vu-minh-khuong-khong-thu-dong-cho-dai-bang-den-nua-phai-chu-dong-sat-canh-cung-dai-bang-de-kien-tao-tuong-lai-11923052906443772.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        PGS.TS Vũ Minh Khương: Không thụ động chờ đại bàng đến nữa. Phải chủ động sát cánh cùng đại bàng để kiến tạo tương lai!
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO