Kinh tế

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Nền kinh tế hiện đang khó khăn, sự trông đợi lúc này đặt vào đầu tư công

Khúc Văn 22/01/2024 05:52

Chuyên gia cho rằng, hiện nền kinh tế đang đặt sự trông đợi vào đầu tư công, tuy nhiên, do thể chế chưa hoàn thiện, chính sách đầu tư công có khả năng làm khó cho người thực thi.

Nền kinh tế đặt sự trông đợi vào đầu tư công

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đầu tư công là một tuyến rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Đầu tư công thường liên quan đến những công trình lớn, công trình trọng điểm quốc gia. Nếu đầu tư công cho những công trình này được giải quyết tốt sẽ tạo ra sức đẩy rất mạnh cho quá trình phát triển kinh tế, ngược lại, nếu đầu tư công bị ách tắc sẽ dẫn đến quá trình này cũng bị chậm trễ.

Hiện nay, nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, một trong những thách thức lớn nhất là khát nguồn vốn thị trường. Nguồn tín dụng ngân hàng tắc đầu ra, các kênh khác như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đều có sự lên xuống. Lúc này sự trông đợi đặt vào đầu tư công.

“Đầu tư công là một điểm mà Chính phủ có thể tác động trên quy mô lớn để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Điều này đang theo đúng nguyên lý cơ bản của kinh tế học về đầu tư nghịch chu kỳ: Khi nền kinh tế gặp khó, khu vực thị trường khó khăn thì cần tận dụng tuyến đầu tư công, tuyến vốn các dự án Nhà nước để “bơm máu” cho nền kinh tế, tạo ra cú hích giúp nền kinh tế thoát khỏi điểm tắc nghẽn và tình trạng trì trệ”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Nền kinh tế hiện đang khó khăn, sự trông đợi lúc này đặt vào đầu tư công
PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Sau khi Luật Đầu tư công năm 2014 được ban hành, quy trình đầu tư công có sự thay đổi cơ bản, từ kế hoạch hằng năm chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn, với kế hoạch 5 năm. Từ đó đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy được vai trò của đầu tư công trong lan tỏa, liên kết các vùng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng cả ở khía cạnh đóng góp trực tiếp trong giá trị tăng trưởng GDP của nền kinh tế, cả ở khía cạnh tác động lan tỏa đến tăng trưởng của các ngành nghề có liên quan, tạo việc làm, góp phần tăng cường an sinh xã hội, cũng như tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.

Dấu ấn đặc biệt trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được ghi nhận qua những đóng góp quan trọng vào xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn. Cụ thể, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 475 km đường cao tốc, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km; đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, ba cao tốc trục Ðông - Tây, hai đường vành đai…

Chính sách đầu tư công làm khó cho người thực thi

Mặt khác, theoPGS.TS. Trần Đình Thiên, hiện tại do thể chế chưa hoàn thiện, chính sách đầu tư công có khả năng làm khó cho bộ máy, người thực thi, vì vẫn còn có cách hiểu khác nhau.

Trong đó, cụ thể các vấn đề như: mức độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương hay thiếu tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách cũng như các luật chuyên ngành… làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả, hiệu lực đầu tư công.

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Nền kinh tế hiện đang khó khăn, sự trông đợi lúc này đặt vào đầu tư công
Hiện tại do thể chế chưa hoàn thiện, chính sách đầu tư công có khả năng làm khó cho bộ máy, người thực thi, vì vẫn còn có cách hiểu khác nhau.

Đầu tiên, đối với vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều lĩnh vực và ở nhiều địa phương, mặc dù Chính phủ đốc thúc ráo riết nhưng không phải bộ, ngành, địa phương nào tiến độ giải ngân cũng như nhau. Đối với những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm không phải do yếu kém mà có nhiều yếu tố ràng buộc, có thể liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí, hệ thống định mức triển khai chưa rõ ràng,… do đó khi phân tích phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng nơi, từng đơn vị.

Nói về hệ quả chung, một dự án chậm trước hết gây lãng phí và ảnh hưởng đến hiệu quả của chính dự án đó. Đồng thời cũng tác động mạnh đến nền kinh tế, không chỉ là tác động ngắn hạn mà tác động đến mặt chiến lược dài hạn.

Ví dụ một dự án về hạ tầng triển khai chậm sẽ kéo theo hàng loạt ý đồ chiến lược khác bị chậm, thậm chí có thể kéo lùi nhịp của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi sự chậm trễ không chỉ 1 - 2 ngày, 1 - 2 tháng mà có dự án chậm trễ rất nhiều năm. Việc này có thể gây ra hậu quả trực diện là nền kinh tế bỏ lỡ mất nhiều yếu tố thuộc về thời cơ để phục hồi và bứt phá. Đó là điều phải đặc biệt chú ý.

Tiếp đó, khi nhận định về những bất cập tồn tại trong hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư công, ông Thiên cho biết, khi các yếu tố cơ chế quyết định để tổ chức điều hành có xung đột với nhau thì hiệu quả thực thi bị giảm đi.

Tuy nhiên, điều mà chuyên gia muốn nhấn mạnh là không chỉ có dự án bị ảnh hưởng mà sự “vênh” trong thể chế, chính sách có khả năng gây ra rủi ro cho bộ máy, cho những người thực thi, vì không biết cái đúng nằm ở đâu. Hệ quả của việc này rất lớn, bao trùm lên tâm lý hành động của bộ máy, không ai muốn làm, không ai dám làm vì sợ sai. Đây mới thực sự là điều đáng lo ngại.

Bởi, nền kinh tế nước ta hiện nay là nền kinh tế chuyển đổi, đang thoát khỏi cái cũ và tạo lập cái mới, có sự chuyển dịch thường xuyên, do đó các quy định, chính sách có độ vênh là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta sửa luật phải đảm bảo theo đúng định hướng đã đặt ra, đó là phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập.

Cũng theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nhằm tháo gỡ những rào càn nêu trên, Chính phủ đã và đang thực hiện rất quyết liệt công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Sự quyết liệt này đã mang lại kết quả thực tế trong thời gian qua.

Trên thực tế, mỗi quý tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đều tăng lên, năm nay giải ngân tăng hơn năm trước với khối lượng, quy mô rất lớn. Như vậy, có thể thấy, vẫn cơ chế đó, vẫn chính sách đó nhưng những giải pháp thúc đẩy, biện pháp tổ chức thực hiện của Chính phủ đã có hiệu quả.

“Đúng như Thủ tướng nói, không có vấn đề gì mà không có lối thoát, không có giải pháp. Cách hành động như vậy tôi cho là rất tích cực” ông Thiên bày tỏ.

Song, chuyên gia nhấn mạnh, chúng ta triển khai phải mang lại hiệu quả thực chất chứ không dốc sức theo kiểu thi đua lập thành tích. Thành tích ảo vừa gây tốn chi phí vừa gây hậu quả về rủi ro bộ máy, sai lầm về lâu dài.

Đồng thời, PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra kiến nghị, cơ quan nhà nước không chỉ đánh giá kết quả giải ngân mà cần xem xét sự chuẩn bị những điều kiện để thúc đẩy quá trình giải ngân một cách có chất lượng, trong đó bao gồm cả khối lượng, quy mô, cơ cấu giải ngân, như thế chúng ta mới đạt được thành tích thực chất. Đặc biệt, công tác giám sát, phân quyền, phân cấp chịu trách nhiệm phải được chú trọng, đi liền với khâu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo dautu.kinhtechungkhoan.vn
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pgsts-tran-dinh-thien-nen-kinh-te-hien-dang-kho-khan-su-trong-doi-luc-nay-dat-vao-dau-tu-cong-219900.html
Copy Link
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pgsts-tran-dinh-thien-nen-kinh-te-hien-dang-kho-khan-su-trong-doi-luc-nay-dat-vao-dau-tu-cong-219900.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        PGS.TS. Trần Đình Thiên: Nền kinh tế hiện đang khó khăn, sự trông đợi lúc này đặt vào đầu tư công
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO