PCI tăng bậc, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà

Công Tính| 01/06/2012 14:40

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 của tỉnh ta đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2010...

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 của tỉnh ta đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2010. Chỉ số PCI tăng đã thể hiện rõ nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong điều hành kinh tế. Tuy nhiên, như cảm nhận của doanh nghiệp (DN) thì họ vẫn còn bị “hành” nhiều bởi những thủ tục hành chính do các ngành đưa ra. Vì vậy, muốn tăng bậc PCI thì tỉnh phải cải thiện khâu điều hành.

DN “ngại” thủ tục thuế, đất đai

Tại Hội thảo nâng cao chỉ số PCI tỉnh Đắk Nông vừa mới được UBND tỉnh tổ chức, khi nói về những điểm mạnh và hạn chế về chất lượng điều hành của tỉnh, bà Nguyễn Ngọc Lan, thành viên nhóm nghiên cứu PCI của VCCI chỉ ra: “Ngoài những điểm mạnh về tiếp cận đất đai (đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố); tính năng động (29/63) thì Đắk Nông vẫn còn nhiều chỉ số thành phần trong PCI chưa được cải thiện nhiều. Trong đó, một số chỉ số còn đi xuống so với năm 2010. Điển hình như trong năm 2011, số giờ thanh tra thuế đối với DN tăng lên 8 tiếng, so với 2,5 tiếng năm 2010. Qua điều tra, toàn tỉnh có đến 57,69% DN trong tỉnh khi được hỏi cho biết, việc thương lượng với cán bộ thuế là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, các DN cũng cho rằng, thủ tục gây phiền hà nhất đối với họ là quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mua hóa đơn giá trị gia tăng và cấp chứng nhận cam kết bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy”. Cũng theo bà Lan thì trong năm 2011, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức trong tỉnh được DN đánh giá giảm. Vì có đến 86,67% trong tổng số DN khi được hỏi đều nói, DN phải có “mối quan hệ” mới tiếp cận được giấy tờ thủ tục.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân thuê đất triển khai dự án sản xuất nông, lâm nghiệp cho rằng thủ tục hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép dự án mất rất nhiều thời gian

Ngoài những chỉ số liên quan đến cơ chế đang ở nhóm “đội sổ”, nhóm nghiên cứu PCI còn nêu ra, các chỉ số như đào tạo lao động (đứng thứ 56/63), chi phí gia nhập thị trường (63/63), dịch vụ hỗ trợ DN (56/63)… là những yếu tố “kéo” PCI  tỉnh ta xuống thấp. Theo đó, trong khi đánh giá chất lượng đào tạo lao động ở nhóm tốt và rất tốt, ở Đắk Nông, giáo dục phổ thông mới đạt 28,95%, còn đào tạo nghề là 22,37%. Ngay đến dịch vụ tìm kiếm và giới thiệu việc làm, tỉnh mới chỉ có 42,68% số DN sử dụng, trong khi tỉnh Kon Tum là 66,67%. Ngoài ra, các khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số PCI của tỉnh.

Muốn tăng bậc… phải cải thiện khâu điều hành

Để cải thiện chỉ số PCI, đa số các đại biểu đều cho rằng, trở ngại về hạ tầng, lao động chưa thể khắc phục được ngay, vì thế phải tính đến cải cách việc điều hành kinh tế. Đó là đẩy mạnh cải thiện tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức… Ông Đậu Anh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu PCI nói: “Nếu tỉnh chỉ cần cải thiện được một điểm tính minh bạch sẽ “kéo” chi phí thời gian, chi phí không chính thức cũng giảm theo”. Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Trước khi tiến hành cải thiện chỉ số PCI ở địa phương, tỉnh và các cấp, ngành, địa phương phải xác định được cái nào làm trước, cái nào làm sau, rồi rà soát từng giải pháp cụ thể. Đối với chỉ số về tính minh bạch, thiết chế pháp lý, tỉnh nên tập trung vào việc công khai, minh bạch các giấy tờ, thủ tục, trên các trang thông tin điện tử. Nếu không công khai rõ ràng quy trình làm việc sẽ dễ dẫn đến chuyện công chức “hành” DN như những gì họ đã từng phản ánh”. Cũng theo ông Diễn khi Đắk Nông nỗ lực cải thiện chỉ số PCI thì các địa phương khác cũng cố gắng. Vì vậy, tỉnh muốn thăng hạng nhanh sẽ phải làm quyết liệt hơn nữa. Ví như trường hợp của tỉnh Hà Tĩnh, để minh bạch thông tin, địa phương này đã công bố rõ số điện thoại của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, sẵn sàng tiếp nhận phản ánh dưới cơ sở. Cách làm này đã góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh Hà Tĩnh từ đứng thứ 37 (năm 2010) lên xếp thứ 7 (năm 2011)...

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong môi trường kinh doanh của tỉnh, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Tỉnh hiện nay chưa làm tốt công tác hỗ trợ cộng đồng DN. Nhiều đơn vị, địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, thiếu tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn khi DN cần...

Theo đó, để cải thiện chỉ số PCI, trước mắt, tỉnh sẽ tập trung cải thiện các chỉ số thành phần như tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức. Từng đầu việc cụ thể, tỉnh sẽ sắp xếp, phân công các cấp, ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc… So sánh với tỉnh Lai Châu, dù khá tương đồng Đắk Nông về điều kiện kinh tế, nhưng họ lại luôn đứng ở tốp đầu trong bảng xếp hạng PCI. Vì vậy, để cải thiện chỉ số PCI, nếu quyết tâm, tỉnh hoàn toàn có thể làm tốt”.

Thực tế, khi mà các chuyên gia đã chỉ ra đúng phương “thuốc” nâng cao chỉ số PCI và cộng với quyết tâm “chữa trị” của tỉnh thì các DN có quyền hi vọng về một môi trường kinh doanh sẽ khá hơn. Dù chỉ số PCI của tỉnh có cải thiện nhưng các chuyên gia cũng không quên cảnh báo, nếu không làm tích cực hơn thì nhiều địa phương đứng tốp sau sẽ vượt qua mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PCI tăng bậc, nhưng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO