Năm 1997, gia đình ông Quân từ Đồng Nai vào xã Nghĩa Thắng lập nghiệp. Bước đầu, ông mua được 5 ha đất để trồng cây ngắn ngày tạo nguồn thu nhập.
Sau đó, ông trồng các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu. Sau 25 năm lập nghiệp với cà phê, cao su, hồ tiêu… ông đã rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm.
Ông Quân cho biết, những cây nào không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông sẽ chuyển đổi.
Trước đây, gia đình ông chỉ tập trung trồng cà phê. Những năm gần đây, giá cả bấp bênh. Trong khi giá cả các loại vật tư nông nghiệp lại tăng cao, khiến thu nhập không ổn định.
Đến giữa năm 2020, ông đầu tư trồng 130 cây nhãn Hương Chi xen trong 1 ha cà phê của gia đình. Vườn nhãn phát triển tốt và đến nay đã cho thu nhập.
Ông dự tính, dù mới thu bói, nhưng năm nay vườn nhãn đạt khoảng 1,5 tấn quả, giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg. Từ kết quả thu hoạch nhãn, ông đã tự tin với quy trình kỹ thuật trồng nhãn. Thời gian tới, ông sẽ mở rộng quy mô vườn nhãn thêm khoảng 1.000 cây.
Vườn nhãn trĩu quả của ông Quân |
"Những ngày này, gia đình đang thu hoạch vườn nhãn Hương Chi. Đây là thành quả sau hơn 2 năm chuyển đổi từ trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng nhãn", ông Quân cho biết.
Ngoài chuyển đổi cây trồng, ông Quân còn thay đổi quy trình sản xuất. Ông sử dụng phân hữu cơ thay thế phân hóa học để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chẳng hạn, đối với cây chanh dây, sau 3 năm trồng và áp dụng quy trình sản xuất an toàn sinh học, vườn cây đã phát triển tốt, ít xảy ra sâu bệnh, nên sản phẩm có đầu ra tốt.
Ông luôn thu được 4 - 5 tấn quả chanh dây/đợt, với giá bán từ 6.000 - 17.000 đồng/kg. Mỗi năm, ông thu lời từ vườn chanh dây hơn 100 triệu đồng.
Với hiệu quả kinh tế cây chanh dây mang lại, ông Quân đang đầu tư mở rộng diện tích. Ông chuyển đổi hơn 1,3 ha hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng 1.100 gốc chanh dây.
Ông Quân hiện đang duy trì 1 ha cao su để tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Cùng với đó, ông trồng sầu riêng xen canh để thử sức với loại cây khó tính này.
Theo lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thắng, với những quyết định táo bạo trong chuyển đổi cây trồng, ông Quân đã tạo được nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông Quân có ưu điểm nhạy bén và chuyển đổi cây trồng một cách bài bản, khoa học, không ồ ạt, không chạy theo phong trào. Cách thức sản xuất, quy trình chăm sóc cây trồng của ông Quân cũng có nhiều đổi mới.
Chính vì vậy, các loại cây trồng của ông đều phát triển tốt, cho năng suất ổn định, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Mô hình sản xuất của ông Quân đang được nhiều bà con nông dân trên địa bàn tiếp cận học hỏi để ứng dụng theo.