Đời sống

Ông Cổng đàn tính, hát then

Mỹ Hằng 11/07/2023 07:11

Không chỉ say mê, với cây đàn tính, điệu hát then, nghệ nhân Đàm Văn Cổng, thôn 10, xã Đắk Drông (Cư Jút) luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa người Tày trên quê hương mới Đắk Nông.

Giữ gìn và truyền dạy hát then

Theo ông Cổng, từ nhỏ ông đã thường xuyên được nghe những lời hát ru của bà, tiếng đàn tính của mẹ. Cứ như vậy, những câu hát then và tiếng đàn tính theo ông lớn dần, thấm sâu vào tâm trí và nuôi dưỡng tâm hồn ông.

Đam mê cây đàn tính, hát then, từ nhỏ ông đã học hỏi, luyện tập cách luyến láy, ngân giọng và những bài hát mới. Ông còn học từ bố về các kỹ năng sử dụng các loại nhạc cụ như nhị, kèn, chiêng, trống của người Tày...

Rời Cao Bằng vào Đắk Nông lập nghiệp nhưng ông luôn đau đáu trong lòng việc bảo tồn và truyền dạy hát then, nhất là truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bởi hơn ai hết, ông hiểu hát then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không được lưu giữ, rèn luyện thì sẽ bị mai một.

Chính vì thế, ông đã tập hợp bà con người Tày, Nùng yêu thích văn nghệ trên địa bàn tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Từ đó, Câu lạc bộ đàn tính, hát then xã Đắk D'rông được thành lập và ông Đàm Văn Cổng đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ.

Ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương, ông dành thời gian sáng tác các bài hát mới và truyền dạy hát then cho bà con, nhất là người trẻ trong và ngoài thôn. Đến nay, ông đã truyền dạy đàn tính, hát then cho 60 học viên tại xã Đắk D'rông và được huyện Thạch An (Cao Bằng) mời về truyền dạy tại đây.

062365319de24dbc14f3.jpg
Dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân Đàm Văn Cổng- bản sắc văn hóa người Tày, Nùng được gìn giữ, phát huy trên vùng đất mới Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Nhờ đó, những điệu dân ca, đàn tính, hát then không bị mai một mà còn phát triển trên vùng đất mới. Ông Cổng tâm sự: “Hát then vừa khó lại cũng vừa dễ. Để có thể hát đúng điệu cần khá nhiều thời gian và sự luyện tập. Cứ vào dịp hè tôi tập hợp, dạy đàn tính, hát then miễn phí cho trẻ em trong, ngoài thôn. Điều đáng mừng, đến nay có mấy cháu có thể đệm đàn và hát thuần thục một số bài hát. Đây cũng là một niềm vui, niềm động viên đối với bản thân tôi trong nỗ lực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Chế tác đàn tính

Ngoài sáng tác, sưu tầm và truyền dạy hát then cho thế hệ trẻ, ông Cổng dành nhiều thời gian để chế tác ra cây đàn tính của người Tày, Nùng.

Theo ông Cổng, làm đàn tính đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ, kiên nhẫn. Một cây đàn tính gồm có hai phần: Thân và bầu đàn. Để hoàn chỉnh một cây đàn tính cần trải qua nhiều công đoạn.

Cần đàn phải chọn cây gỗ không bị sâu mọt, thẳng, dài, chắc khi dùng không bị cong. Cây mang về phải phơi khô, bào nhẵn, đẽo, khắc hoa, đục, dùi lỗ để căng dây, sơn 2 lớp. Đồng thời, để có bầu đàn ưng ý, ông Cổng tự tay trồng, làm dàn, chăm sóc cây bầu cẩn thận để có quả tròn và đẹp. Khi quả già được hái, cắt đoạn đầu, bỏ phần ruột, ngâm nước 10 ngày, vớt ra phơi 10 ngày. Đến khi quả bầu khô được đem về đo độ cao, rộng, khoét lỗ thoát âm thanh, đục lỗ để cho cần đàn tính vào...

Với niềm đam mê và cống hiến của mình trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, ông Cổng được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh. Năm 2022, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

“Tôi thấy rất vui khi niềm đam mê của mình được phát huy, lại được Nhà nước công nhận và động viên. Tôi sẽ cố gắng truyền dạy hết sự hiểu biết của mình về đàn tính, hát then cho thế hệ trẻ để vốn văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ, phát huy”,

Nghệ nhân Đàm Văn Cổng, thôn 10, xã Đắk Drông (Cư Jút)

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Ông Cổng đàn tính, hát then
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO