OCOP làm thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh

Hồng Thoan| 27/07/2021 10:18

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh ngày càng có tầm ảnh hưởng và làm thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh. Việc tham gia, đưa sản phẩm đạt OCOP đang trở thành mục tiêu của nhiều cá nhân, đơn vị.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh (Đắk Mil) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật hơn chục năm nay. Ông đã phát triển từ hộ cá thể lên thành doanh nghiệp tư nhân mang tên Nguyễn Gia.

Hàng năm, gia đình duy trì khoảng 250 đàn ong. Ông liên kết với các hộ xung quanh để có sản lượng mật ổn định cung ứng ra thị trường khoảng 8 tấn/năm. Theo ông Phúc, sản phẩm mật ong của gia đình đã đạt nhiều chứng nhận về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng ông vẫn muốn đạt chứng nhận OCOP.

Sản phẩm mật ong nguyên chất Đắk Mil của Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Gia đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Ông nhận thấy, OCOP là một kênh chứng nhận sản phẩm ngay từ cơ sở, có giá trị lớn, nên chắc chắn khi đạt sẽ thuận lợi hơn trong quá trình phát triển sản phẩm. Do đó, ông mong muốn sản phẩm có thể đạt chứng nhận OCOP để tăng thêm giá trị, thúc đẩy tiêu thụ. Bởi sản phẩm mật ong của ông có giá trị riêng, thể hiện tâm huyết của gia đình và những hộ sản xuất trong vùng.

Cũng theo ông Phúc, sản phẩm mật ong của ông hiện đã được công bố chất lượng, kết quả thử nghiệm, tem truy xuất nguồn gốc, cơ sở đạt tiêu chuẩn HACCP. Mới đây, sản phẩm mật ong nguyên chất của ông đã được UBND tỉnh chứng nhận OCOP hạng 3 sao.

Tương tự, HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) đang ngày càng khẳng định giá trị sản phẩm bún gấc, phở gấc thông qua OCOP. Dù đã được người tiêu dùng biết đến khi đạt giải cao tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020, nhưng HTX vẫn đưa sản phẩm tham gia xếp hạng OCOP.

Theo ông Trần Đình Lượng, thành viên Ban quản trị HTX, việc tham gia OCOP là để thêm một lần khẳng định chất lượng sản phẩm. Qua đó, đơn vị có thêm cơ sở gia tăng hoạt động sản xuất, mở rộng thị trường.

“Rất vui là sản phẩm bún gấc thiên nhiên của chúng tôi đã được UBND tỉnh chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Đây thật sự là một động lực để chúng tôi tiếp tục theo đuổi dòng sản phẩm mới từ nguyên liệu tự nhiên”, ông Lượng chia sẻ.

Sản phẩm bún gấc thiên nhiên được Hội đồng đánh giá xếp hạng OCOP cấp tỉnh đánh giá cao về sự mới mẻ

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, chứng nhận OCOP cho sản phẩm ngày càng được quan tâm, trở thành động lực thực sự cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP được sử dụng nhãn hiệu và thứ hạng sao để in, dán trên bao bì.

Đây là một bước đánh giá quan trọng, giúp sản phẩm được bảo đảm về chất lượng, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm đã có sản lượng tiêu thụ lớn hơn từ khi có chứng nhận OCOP, đem lại lợi ích về nhiều mặt cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh.

Từ những kết quả đạt được, UBND tỉnh và các chủ thể tâm huyết từng bước nâng hạng sao cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị OCOP với kênh tiêu thụ đồng bộ từ tỉnh đến quốc gia, quốc tế.

Đến tháng 7/2021, tỉnh Đắk Nông đã có 41 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP hạng từ 3 - 4 sao. Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP được phép sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao để in, dán trên bao bì sản phẩm.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham/ocop-lam-thay-doi-nhan-thuc-trong-san-xuat-kinh-doanh-87951.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham/ocop-lam-thay-doi-nhan-thuc-trong-san-xuat-kinh-doanh-87951.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        OCOP làm thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO