Thương mại - Dịch vụ

OCOP Đắk Nông và câu chuyện thị trường

PV 02/09/2023 15:37

Thời gian qua, Đắk Nông đã có nhiều sản phẩm chất lượng cao, đạt chứng nhận 3 - 4 sao nhưng việc nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp không ít khó khăn.

ADQuảng cáo
z4633559768681_e8e5fc1b3ad8378a286ef44b5f6e6319(1).jpg
Sản phẩm OCOP tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông.

Đầu ra còn hạn chế

Tỉnh Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 54 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, toàn tỉnh có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 53 sản phẩm đạt 3 sao theo bộ tiêu chí OCOP Quốc gia. Các sản phẩm được công nhận OCOP đều có tính đặc trưng, ​​tiêu biểu của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Đắk Nông.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa bày bán 52 sản phẩm OCOP của tỉnh. Các sản phẩm OCOP tại cửa hàng đều được dán nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh được hình thành với mục đích tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP giới thiệu các sản phẩm chất lượng đến với các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng. Mặt hàng khá phong phú, thế nhưng qua thực tế hoạt động, lượng hàng bán ra bán ra còn hạn chế và doanh số không đều giữa các tháng. Theo điểm bán hàng này thì các sản phẩm OCOP bán ra chủ yếu cho các đơn vị, doanh nghiệp làm quà biếu vào các dịp cuối năm. Điều đáng nói là lượng khách hàng cá nhân đến mua tại cửa hàng rất khiêm tốn. Nguyên nhân chưa thu hút được khách hành cá nhân là do nhiều người chưa biết hết về sản phẩm OCOP và cho rằng giá bán cao.

Qua thực tế, theo nhiều chủ thể sản phẩm OCOP, sau khi đạt chứng nhận OCOP nhưng sản phẩm không có nhiều thuận lợi về đầu ra. Nguyên nhân chủ yếu do hiện nay, đa số người tiêu dùng vẫn chưa biết cụ thể sản phẩm OCOP có gì đặc biệt mà giá lại cao hơn so với các sản phẩm cùng loại. Trong khi đó, để đưa sản phẩm vào siêu thị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chấp nhận chiết khấu cao. Điều này khiến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đủ sức về tài chính, khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối này. Ngoài ra, khi vào siêu thị, các sản phẩm OCOP lại bị đánh đồng với sản phẩm trưng bày chung. Việc sản phẩm OCOP chưa có không gian trưng bày riêng biệt khiến giá trị không được nâng lên. Trong khi đó, chi phí đầu tư, sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không hề rẻ, dẫn tới giá bán ra cũng cao hơn sản phẩm cùng loại, khiến đầu ra của sản phẩm OCOP càng thêm khó.

Trong khi đó, hầu hết các chủ thể vẫn phải tự tìm kiếm các kênh để tiêu thụ sản phẩm. Điều này cũng khiến nhiều chủ thể phải cầm chừng trong việc phát triển các sản phẩm OCOP. Vì khó khăn về đầu ra, nên nhiều sản phẩm OCOP có giá bán thấp, chưa tương xứng với chất lượng, công sức đầu tư của người dân.

Cần chiến lược marketing đủ mạnh

ADQuảng cáo

Theo đại diện một số siêu thị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì sức tiêu thụ các sản phẩm OCOP Đắk Nông còn thấp. Nguyên nhân là các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Trong khi đó, các sản phẩm OCOP Đắk Nông cũng chưa có lợi thế về bao bì mẫu mã để hấp dẫn người tiêu dùng.

do-hoa-sua-lai.png

Khâu tiếp thị sản phẩm tiêu biểu của địa phương cũng đối mặt với nhiều thách thức mà vấn đề lớn nhất là phương thức, chiến lược tiếp thị sản phẩm để có chỗ đứng trong các kênh phân phối, tham gia vào chuỗi giá trị.

Thực tế, không ít chủ thể OCOP thừa nhận, khâu tiếp thị sản phẩm với họ đang còn nhiều hạn chế nên sản phẩm chưa được bày bán phổ biến. Khâu này đang là “nút thắt” rất cần được tháo gỡ.

Nguyên nhân do các chủ thể OCOP chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh nguồn vốn ít nên việc tiếp thị, tiếp cận công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu, truyền thông cho sản phẩm còn hạn chế. Ở khía cạnh khác, hầu hết các sản phẩm OCOP sinh ra từ làng, là thành quả lao động của nông dân. Vì thế, họ chưa hiểu nhiều về cách thức quảng bá hay maketing. Vì vậy, người nông dân phải “tự bơi” trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm... Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có một chiến lược marketing đủ mạnh. Trong đó, việc quảng bá được thực hiện bằng cách kể những câu chuyện đặc trưng cho sản phẩm sẽ có sức kích thích người tiêu dùng tìm hiểu, chọn mua.Thông qua những câu chuyện, sản phẩm dễ dàng được người dùng đón nhận.

Thực tế, muốn mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, tạo nhận diện sản phẩm từ logo, slogan, bao bì, nhãn mác, kiểu dáng và chất lượng... thì việc liên kết, kết nối thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố theo hướng chuyên nghiệp sẽ tạo hiệu ứng tiếp thị, sức lan tỏa thương hiệu tốt hơn trên quy mô rộng.

Về phía các chủ thể OCOP phải tìm hiểu kỹ, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Từ đó, các chủ thể xây dựng kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường. Các đơn vị bán lẻ cần tạo điều kiện hỗ trợ điều phối, kết nối, quảng bá sản phẩm sao cho hiệu quả nhất.

Kinh nghiệm từ các tỉnh làm tốt thị trường cho sản phẩm OCOP cho thấy, để khơi thông đầu ra cho sản phẩm, các tỉnh, thành phố đã chú trọng tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm với đầy đủ thông tin về chất lượng cũng như quy trình sản xuất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các chủ thể sản xuất OCOP cũng rất tích cực đưa sản phẩm của mình lên website và một số sàn thương mại điện tử. Kinh nghiệm chung được rút ra là: Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản ở mỗi vùng quê, mỗi địa phương; chú trọng quảng bá, kết nối thị trường; hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các hộ cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Đó cũng là những vấn đề cần làm tốt để các sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước vươn xa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
OCOP Đắk Nông và câu chuyện thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO