Nông nghiệp - Nông thôn

OCOP Đắk Mil nâng tầm sản phẩm nông nghiệp

Mẫn Doanh 09/03/2025 07:09

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông).

Đa dạng và chất lượng cao

Đắk Mil nổi tiếng với nhiều sản phẩm OCOP đa dạng và chất lượng. Đặc biệt, cà phê bột Đắk Đam đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh Đắk Nông.

Với hơn 100 thành viên chính thức và liên kết, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công Bằng Thuận An trồng hơn 480ha sản xuất theo tiêu chuẩn Fairtrade, cung cấp nguyên liệu chế biến cà phê bột Đắk Đam. Chủ thể sản phẩm đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững cho nông dân.

dt1.jpg
Nguyên liệu chế biến Cà phê bột Đắk Đam được sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt các chứng nhận quốc tế, chất lượng cao

Việc tham gia OCOP giúp chúng tôi nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Chúng tôi đã áp dụng công nghệ chế biến ướt cho cà phê, tạo nên sản phẩm có chất lượng ổn định và được thị trường quốc tế đánh giá cao.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An

Ngoài ra, xoài Đắk Gằn cũng là một thương hiệu nông sản nổi tiếng của huyện. Với quy mô hơn 1.550ha, xoài Đắk Gằn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chứng nhận OCOP 3 sao và có mã QR code truy xuất nguồn gốc.

Đắk Gằn được huyện Đắk Mil xây dựng thành vùng sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao với 343ha. Địa phương hỗ trợ người dân thành lập 3 tổ chức sản xuất xoài gồm: HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ xoài Đắk Gằn; Tổ hợp tác (THT) trồng xoài thôn Tân Lợi; Hội xoài VietGAP Đắk Gằn với hơn 250 hộ dân tham gia. Phần lớn nông dân sử dụng các giống xoài cao cấp phục vụ xuất khẩu, bảo đảm đầu ra ổn định và giá cả hợp lý.

dt6.jpg
Xoài Đắk Gằn mang hương vị ngọt ngào đặc trưng, không chỉ trở thành niềm tự hào của người dân địa phương mà còn góp phần quảng bá Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đến bạn bè quốc tế

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm truyền thống, Đắk Mil còn chứng kiến sự ra đời của những sản phẩm OCOP độc đáo và sáng tạo. Anh Phan Gia Long, một thanh niên khởi nghiệp tại xã Đức Minh, đã sản xuất các sản phẩm từ chuối xanh như bột chuối xanh, viên bột chuối xanh mật ong và miến khô chuối xanh. Những sản phẩm này đã được thị trường đón nhận tích cực và đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

img_8892.jpg
Bột chuối xanh của Cơ sở Trang Thư đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2024

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, năm 2024, trên địa bàn huyện có 10 sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Kết quả có 8 sản phẩm đạt 3 sao do UBND huyện công nhận, bao gồm: Cà phê bột Hương Quê Đắk Nông, SOCOLA Hương Quê, dầu mắc ca nguyên chất của Công ty TNHH MTV XNK cà phê Hương Quê Đắk Nông; Bột chuối xanh của Cơ sở Trang Thư; Dưa lưới của Trang trại ông Tám; Mật ong Nguyễn Gia của DNTN Nguyễn Gia; Cà phê bột Đức Trung của HTX DVNN Đức Mạnh; Xoài Đắk Gằn của HTX Xoài Đắk Gằn. Sản phẩm Ca cao bột Hương Quê của Công ty TNHH MTV XNK cà phê Hương Quê Đắk Nông được đề nghị Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đánh giá công nhận 4 sao.

Đến nay, huyện Đắk Mil có 19 sản phẩm OCOP của 14 chủ thể trên địa bàn 6 xã, thị trấn Đắk Mil. Trong đó, có 16 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao.

Nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu

Bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát, xã Đức Minh đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cà phê rang xay Hoàng Gia Phú. Tham gia chương trình OCOP, bà nhận được sự hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì và truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm cà phê bột và cà phê mộc của bà đã được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, khẳng định chất lượng và uy tín trên thị trường.

img_9714.jpg
Cà phê Hoàng Gia Phú với nhiều dòng sản phẩm như cà phê hạt, cà phê bột, cà phê hòa tan...

Với hướng đi đúng đắn, OCOP Đắk Mil đã và đang góp phần tăng giá trị nông sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng, truyền thống của địa phương. Các chủ thể đã quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định. Khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương.

Các chủ thể đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát triển và khai thác giá trị sản phẩm gắn với nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

dt7.jpg
Mật ong hoa cà phê của DNTN Nguyên Gia, xã Đức Minh có màu vàng nhạt, dẻo quánh, không ngọt gắt, không bị ngả màu hay đóng đường dù bảo quản lâu ngày đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao

Năm 2020, Công ty TNHH MTV Cà phê Hương quê Đắk Nông tại thôn Đức An, xã Thuận An tham gia lĩnh vực sản xuất, chế biến ca cao. Theo ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty, để có nguồn nguyên liệu tốt, công ty liên kết với các hộ dân để sản xuất ca cao bảo đảm chất lượng. Công ty hạn chế xuất bán thô, tập trung vào khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ca cao bột.

dt8.jpg
Sản phẩm Ca cao bột Hương Quê của Công ty TNHH MTV XNK cà phê Hương Quê Đắk Nông đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2024

Thông qua chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tăng thu nhập cho đơn vị và các hộ dân. Sản phẩm ca cao bột của công ty chế biến từ 100% ca cao nguyên chất nên được thị trường đánh giá rất cao. Với máy móc hiện đại cùng quy trình khép kín cho ra sản phẩm bột ca cao chất lượng và an toàn. Bột có màu nâu đỏ, mịn, dễ dàng khuấy tan và không vón cục. Khi pha sẽ có mùi thơm dịu, đắng đậm đà và hậu vị hơi chua thanh. Sản phẩm hiện có mặt trên tất cả 21 siêu thị Coop.Mart thuộc hệ thống Sài Gòn Coop tại TP. Hồ Chí Minh và 42 tỉnh, thành phố trên cả nước…

Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ

Một trong những yếu tố quan trọng giúp sản phẩm OCOP Đắk Mil đạt được thành công là việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Hợp tác xã Công Bằng Thuận An đã liên kết với các xã viên để sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Sản phẩm cà phê bột của HTX đã được chứng nhận OCOP 4 sao và xuất khẩu sang Nhật Bản cùng một số nước châu Âu.

Tương tự, HTX Nông nghiệp Thọ Minh, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil có 56 xã viên, sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP trên 76ha, sản lượng trên 800 tấn. HTX hoạt động kinh tế theo chuỗi liên kết, các xã viên có cơ hội giúp đỡ, học tập, trao đổi kinh nghiệm, biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản phẩm được ổn định giá, nâng cao thu nhập, đời sống các hộ dân.

dt5.jpg
Ngoài sầu riêng trái tươi, HTX Nông nghiệp Thọ Minh còn chế biến sầu riêng cấp đông và xuất khẩu

Ông Nguyễn Xuân Thọ, Giám đốc HTX cho biết, để sản phẩm sầu riêng tươi của HTX đạt chứng nhận OCOP và các tiêu chuẩn để xuất khẩu thì phải liên kết và “xâm nhập” vào những vùng trồng sầu riêng. HTX tiến hành liên kết, theo dõi cây từ lúc trồng đến khi cây có hoa, quả. Đơn vị cũng ký kết với các hộ dân trồng theo hướng VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học...

Theo UBND xã Đức Mạnh, năm 2021, địa phương cùng ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ các hộ dân trồng và thu mua sầu riêng VietGAP thành lập Tổ hợp tác sầu riêng Đức Mạnh. Năm 2022, sản phẩm sầu riêng của tổ hợp tác đạt chứng nhận OCOP 3 sao và tiến tới thành lập HTX Nông nghiệp Thọ Minh. Đây là cơ sở đầu tiên và duy nhất tại địa phương có sản phẩm sầu riêng tươi đạt chứng nhận OCOP và chế biến sầu riêng cấp đông.

dt2.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP là sản vật trên vùng đất núi lửa Đắk Mil

Chương trình OCOP đã góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông nghiệp tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, huyện Đắk Mil đã có 3 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường là Xoài Đắk Mil, Sầu riêng Đắk Mil, Cà phê Đắk Mil.

Địa phương tích cực hỗ trợ, vận động được các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

Tham gia OCOP giúp chúng tôi có cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi, đồng thời tiếp cận các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, xoài Đắk Gằn hiện đã có mã QR truy xuất nguồn gốc và được xuất khẩu và tiêu thụ mạnh tại nhiều thị trường.

Bà Trần Thị Hà, HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ xoài Đắk Gằn

Song hành với OCOP, huyện Đắk Mil còn đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 2 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể, vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An 335 ha với 1 tổ chức (Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng Thuận An), 186 hộ nông dân tham gia. Vùng sản xuất xoài công nghệ cao tại xã Đắk Gằn 343 ha với 3 tổ chức (HTX nông nghiệp TM và DV xoài Đắk Gằn, THT Xoài bản Cao Lạng; Hội Xoài VietGAP Đắk Gằn), 254 hộ nông dân tham gia.

dt4.jpg
Bưởi da xanh ruột hồng của trang trại Hải Nguyên, xã Đắk Sắk đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Các HTX đã áp dụng công nghệ tưới phun sương cho vườn ươm, cà phê kinh doanh; sử dụng nhà kính và quạt thông gió phơi sấy cà phê nhân. HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, HTX Nông Lâm nghiệp Đắk Mil, HTX NN DV TH Đức Mạnh đã thực hiện cải tạo vườn cà phê bằng giống mới; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê; quản lý sản xuất và chế biến cà phê nhân bằng công nghệ chế biến ướt,...

Đắk Mil hiện có trên 25 cơ sở, doanh nghiệp, HTX, THT và 10.250 hộ gia đình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác như: RA,4C, UTZ, Flo… Diện tích được chứng nhận tiêu chuẩn các loại khoảng 11.017ha (cà phê 10.516ha; hồ tiêu 98ha; xoài 343ha; sầu riêng 43,2ha; bơ 2ha; mít Thái 14ha; dưa lưới 0,5ha...).

Chương trình OCOP mang lại những thay đổi tích cực cho huyện Đắk Mil. Sự đa dạng và chất lượng của các sản phẩm OCOP không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, cải tiến mẫu mã và mở rộng kênh tiêu thụ, bảo đảm sản phẩm OCOP Đắk Mil ngày càng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    OCOP Đắk Mil nâng tầm sản phẩm nông nghiệp
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO