Ðộc đáo đám cưới của người Mạ

Nguyễn Hồng (g/t)| 07/10/2022 08:32

Nam nữ người Mạ khi đủ tuổi lập gia đình, tự do tìm hiểu và yêu nhau. Khi đôi trai gái “ưng cái bụng” nhau, người con trai về thưa với cha mẹ và nhờ người mai mối, đặt vấn đề hôn nhân. Đám cưới và các nghi thức cưới của người Mạ ít rườm rà, tốn kém; tục thách cưới gần như bị xóa bỏ...

ADQuảng cáo

Nghi thức thú vị của đám cưới

Đám cưới của người Mạ thường được tổ chức vào cuối năm, thời điểm thu hoạch xong mùa màng, rảnh rỗi. Đám cưới diễn ra trong vài ba ngày, được tổ chức tại nhà gái. Ngày cưới, cô dâu, chú rể mặc bộ trang phục truyền thống mới nhất có nhiều hoa văn rất đẹp, đeo những bộ đồ trang sức như vòng đeo tay bằng kim loại và những chuỗi cườm…

Nghi thức đầu tiên trong lễ cưới của người Mạ là cúng Giàng, xin cho đôi trẻ được trở thành chồng, vợ. Lễ vật là một chóe rượu cần lớn, con gà luộc và những chiếc bánh nếp. Thịt gà thái nhỏ gói vào lá chuối, đĩa tiết gà, cơm nếp (xôi), hoặc những chiếc bánh được làm bằng bột nếp (tượng trưng sự gắn kết bền chặt giữa cô dâu và chú rể). Đây là lễ thức rất quan trọng, ngoài đông đủ bà con trong dòng họ, bạn bè thân thiết của hai gia đình, phải có sự chứng kiến của già làng (người có uy tín).

Đồng bào Mạ trong ngày hội

ADQuảng cáo

Điều thú vị và được xem là quan trọng nhất trong lễ cưới của người Mạ là nghi thức “chạm trán” của cô dâu, chú rể. Đôi trai gái đứng trước bàn thờ tổ tiên, người chủ hôn bôi máu con vật hiến tế (máu gà) lên trán cô dâu và trán chú rể để cầu sự may mắn cho cặp vợ chồng mới. Cô dâu, chú rể quỳ xuống đất, đối mặt nhau để chủ hôn trùm lên đầu hai người một tấm đắp (thổ cẩm) mới dệt. Cặp vợ chồng trẻ trong tấm đắp phải chạm trán với nhau lần lượt 7 cái. Theo quan niệm của người Mạ, điều này thể hiện sự “tâm đầu ý hợp” của đôi vợ chồng trẻ - nghi thức thiêng liêng, như lời thề thủy chung của đôi trai gái trước sự chứng kiến của thần linh, dòng họ và dân làng...

Đề cao sự chung thủy trong hôn nhân

Sự chung thủy trong đời sống hôn nhân của người Mạ được xem là quan trọng và danh giá nhất. Bởi vậy, việc bỏ nhau, ly hôn, nhất là ngoại tình đối với người Mạ được cho là sự xấu hổ, sự xúc phạm lớn nhất.

Tuy nhiên, nếu việc ly hôn do những nguyên nhân khác nhau xảy ra, thì sau khi ly hôn, người vợ và người chồng vẫn được tái giá. Điều đáng mừng là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tỷ lệ bỏ nhau của người Mạ so với cộng đồng xã hội rất thấp. Đây là những giá trị tốt đẹp trong hôn nhân của người Mạ cần bảo tồn, gìn giữ...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðộc đáo đám cưới của người Mạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO