"Lực hấp dẫn" của cây sầu riêng
Tại tọa đàm với chủ đề "Phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả bền vững" do Sở NNPTNT TP.Cần Thơ phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) tổ chức tại huyện Cờ Đỏ mới đây, một nông dân đã đặt vấn đề: "Nông dân nhiều nơi trong thành phố dần từ bỏ cây ăn trái bản địa, chuyển sang trồng cây sầu riêng, do đó rất cần ngành nông nghiệp định hướng".
Trước vấn đề này, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, không riêng gì TP.Cần Thơ, diện tích trồng sầu riêng ở nhiều địa phương đã tăng nhanh trong thời gian gần đây và Bộ NNPTNT đã cảnh báo.
Tuy nhiên, trong niên vụ năm 2023 - 2024, giá sầu riêng tăng cao, người dân đạt lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác. Do đó, việc trồng sầu riêng không cản người dân được, và đây là quy luật tất yếu.
"Người dân đã dần từ bỏ cây dâu hạ châu, xoài, nhãn, vú sữa để trồng sầu riêng. Hiện tượng này dẫn đến rủi ro cho cây sầu riêng rất cao trong thời gian tới" - ông Nghiêm nói và cho biết thêm: "Trong phát triển cây ăn trái, chúng tôi chỉ có thể khuyên bà con trồng sầu riêng theo hướng chuyên canh, theo đúng thổ nhưỡng và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, nhằm hạn chế rủi ro trong giai đoạn sắp tới nếu có".
Cần Thơ có 25.000ha diện tích trồng cây ăn trái nhưng loại cây đặc sản nào cũng có. Vậy là điều quá hay, bởi đây là thành phố chủ lực, trung tâm của vùng, mùa nào đến đây cũng có trái cây".
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt
Riêng về phía Sở NNPTNT sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp thúc đẩy bảo quản chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho bà con, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc.
Ước tính TP.Cần Thơ hiện có hơn 25.072ha cây ăn trái các loại, với sản lượng thu hoạch đạt hơn 223.250 tấn/năm. Cây ăn trái được trồng trên địa bàn TP. Cần Thơ khá đa dạng về chủng loại và có nhiều loại trái cây ngon, đặc sản như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, mít, dâu, cam, bưởi, mận, mãng cầu...
Thời gian qua, nhiều loại cây ăn trái trên địa bàn TP.Cần Thơ cho hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhiều hộ dân.
Trong đó, diện tích trồng sầu riêng của TP.Cần Thơ là gần 5.000ha và là loại cây ăn trái có diện tích tăng nhiều nhất thành phố.
Đưa chúng tôi đi xem khu vườn sầu riêng rộng hàng chục ha của các thành viên đang cho trái rất sai, ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền) cho hay, từ trước Tết Nguyên đán 2024 đến nay, giá sầu riêng tăng rất cao.
"Nếu canh tác hợp lý, sử dụng phân bón cân đối, nhất là dùng nhiều phân hữu cơ giúp chất lượng sầu riêng đảm bảo và chi phí đầu tư chỉ 15.000-20.000 đồng/kg. So với giá bán các loại trái cây hiện nay thì người trồng sầu riêng trúng đậm, khó cây nào theo kịp " - ông Chiến phân tích.
Chính do lợi nhuận của sầu riêng quá hấp dẫn nên không chỉ người dân Cần Thơ, mà rất nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL, Tây Nguyên phá bỏ cây trồng truyền thống để trồng sầu riêng, hoặc trồng xen trong các vườn tiêu, cà phê, chôm chôm...
Nhìn thấy các hộ trên địa bàn giàu lên nhanh chóng từ cây sầu riêng, ông Nguyễn Thành Vinh ở xã Bàn Long (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và không ít người khác đứng ngồi không yên.
Sau đó, ông Vinh quyết định đốn bỏ vườn dừa đang cho trái để chuyển sang trồng "cây vua", dù không biết tới khi vườn sầu riêng của ông cho quả thì giá cả sẽ xoay chuyển thế nào.
Ông Vinh so sánh: "Trái dừa khi bán có 70.000 - 100.000 đồng/chục (12 quả), giá cả lại còn luôn bấp bênh nên không hiệu quả.
Cây sầu riêng hiện nay ở những vườn lân cận đều bán giá cao và ổn định, trong khi nhu cầu thu mua của Trung Quốc quá lớn. Hiện người dân không biết trồng cây gì, chọn cây gì nên tạm thời trồng sầu riêng".
Tìm giá trị khác biệt khi trồng cây ăn trái
Gần đây, một số vườn dừa, vú sữa, sapôchê (hồng xiêm), bưởi tại các xã Bình Trưng, Vĩnh Kim, Đông Hòa, Bàn Long (huyện Châu Thành, Tiền Giang) được nhà vườn cưa bỏ, cải tạo đất và lên mô trồng cây sầu riêng.
Ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), diện tích cây sầu riêng tăng đột biến với hơn 9.000ha, trong đó có vườn trồng trên nền đất lúa. Một số nhà vườn còn phá cây xoài cát Hòa Lộc chuyển sang trồng sầu riêng.
Tương tự, tại một số vùng đất bị nhiễm phèn cao thuộc vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, nhiều người cũng đầu tư trồng sầu riêng với hi vọng sẽ trúng đậm "như người ta".
Tuy nhiên, theo Phòng NNPTNT huyện Tân Phước, cây sầu riêng trồng trong vùng Đồng Tháp Mười tuy khá xanh tốt, có năng suất nhưng trái không đạt chất lượng như các địa phương khác. Huyện không có chủ trương nhân rộng loại cây ăn quả này.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho hay, hiện cả nước có 120.000ha sầu riêng, trong thời gian tới sẽ tăng lên 150.000ha và có thể thêm nữa. Tuy nhiên, hiện nay ở các quốc gia khác cũng có sầu riêng, tức sầu riêng Việt Nam đang và sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh về sản lượng cũng như chất lượng.
Theo quan điểm của ông Tùng, người dân không chạy theo phong trào, chỉ nên trồng các loại cây ăn trái mà chỉ mình có, đặc biệt là cây trồng bản địa mà không nơi nào có được.
"Không thể đem dâu hạ châu về trồng ở Tiền Giang mà cho quả ăn ngon như khi trồng ở huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ được. Nếu ngon bằng đi nữa, thì cũng thiếu bề dày lịch sử 200 năm ở huyện Phong Điền. Đây là giá trị khác biệt, cần giữ lại" - ông Tùng nói.
Ông Tùng nói, ở Tiền Giang, đất thích hợp trồng sầu riêng với chi phí thấp, nếu giá trái sầu riêng bán ra thấp, người dân cũng có lời. Thế nhưng, đối với vùng đất khác không thích hợp trồng thì chi phí đầu tư rất cao, khi giá sầu riêng giảm nhiều sẽ dễ bị thua lỗ.
Do đó, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị, người dân TP.Cần Thơ muốn chuyển đổi cây trồng, nhất là chuyển từ cây trồng bản địa sang sầu riêng phải hết sức cân nhắc đối với sự phát triển của cá nhân, hợp tác xã, tập thể và của cả địa phương.