Ở đâu có dịch là ta cứ đi!

Ngô Đồng| 22/07/2021 09:51

Khoác trên mình bộ bảo hộ kín mít và cứ thế lặng lẽ lao vào tâm dịch Covid, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh đang ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu, sẵn sàng đối mặt với kẻ thù "vô hình", với suy nghĩ đơn giản "ở đâu có dịch là ta cứ đi!".

ADQuảng cáo

Những chuyến đi xuyên đêm

Hơn 19 giờ tối ngày 10/7, kết thúc công việc tại cơ quan, bác sĩ Nguyễn Đức Tiến, Khoa Phòng, chống bệnh lây nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông) vội vàng ghé Bệnh viện Đa khoa tỉnh - nơi vợ anh công tác để đón 2 con về vì hôm nay vợ trực.

Chuẩn bị đồ bảo hộ trước khi vào tâm dịch ở xã Đắk N'drung (Đắk Song)

Hoàn thiện nốt bản báo cáo và dần chìm vào giấc ngủ sau một ngày làm việc mệt nhoài thì anh Tiến giật mình bởi tiếng gõ cửa của các đồng nghiệp trong khoa. Vậy là 12h30' nhận lệnh, anh cùng đồng nghiệp cấp tốc lên đường truy vết gấp ca mắc Covid-19 (BN 28474) tại xã Đắk Sôr (Krông Nô) có yếu tố dịch tễ về từ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Tiến chia sẻ: “Không kịp nghĩ gì nhiều, tôi vội vàng chạy vào nhà bế 2 con lên bệnh viện để giao lại cho vợ rồi cùng anh em trong khoa thẳng tiến đến xã Đắk Sôr”.

Đây là một trong rất nhiều chuyến đi đột xuất của các y, bác sĩ trong Khoa phòng, chống bệnh lây nhiễm trong suốt hơn 1 năm qua. Bác sĩ Nguyễn Ly Sắc, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh lây nhiễm cho biết: “Những chuyến đi truy vết đột xuất bất kể ngày đêm, mưa nắng của anh chị em trong khoa kể từ ngày dịch bệnh bùng phát gần như đã thành thói quen, một thói quen mà không ai muốn lặp lại. Bởi vì, mỗi lần lên đường là mỗi lần buồn vì nỗi lo con vi rút nguy hiểm, vô hình đang lẩn khuất đâu đó trong cộng đồng, đem lại tai ương cho bao gia đình.

Thế nhưng, với tinh thần “cuộc chiến không của riêng ai” nên tâm lý anh em ai cũng sẵn sàng, cứ có lệnh là lên đường, chỉ mong sao có mặt kịp thời tại điểm nóng để phối hợp cùng lực lượng y tế địa phương điều tra, truy vết, khoanh vùng ca bệnh nhanh nhất có thể mà thôi.

Luôn sẵn sàng lên đường bất kể ngày đêm

Xuyên rừng, vào rẫy tìm Covid

Nhận được tin báo của gia đình có trường hợp đi về từ vùng dịch Bình Phước, đội truy vết của Trung tâm Y tế huyện Đắk Song lại tức tốc lên đường. Để vào được đến nơi trường hợp đang lưu trú, lực lượng y tế phải đi bộ hơn 1km xuyên rừng, lội dốc vào tận rẫy để đưa đi cách ly, lấy mẫu do có dấu hiệu ho sốt, khó thở.

Lúc vào đường xuống dốc, mưa nhiều ngày, cộng thêm lá thông khiến đoạn đường gập ghềnh, trở nên trơn trượt bao nhiêu thì lúc ra lại càng khó đi hơn gấp nhiều lần. Khó bởi vì phải trèo lên con dốc dựng ngược mà trên vai còn đeo cả bình phun sát khuẩn và khiêng cả người bệnh trên cánh võng gập ghềnh.

ADQuảng cáo

Y sĩ Lê Bảo Trung, Khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Đắk Song) cho biết: “Khi chúng tôi vào đến nơi, người bệnh đã xuất hiện nhiều dấu hiệu mệt mỏi, sốt, khó thở. Sau khi trao đổi, biết được người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, cộng thêm đi về từ vùng có yếu tố dịch tễ phức tạp nên chúng tôi phải đưa họ đi cách ly gấp.

Cái khó lúc này xuất hiện là người bệnh không thể tự đi lại bình thường vì sức khỏe quá suy kiệt, có gì dùng nấy, lấy vội cánh võng và tay đòn, anh em chúng tôi trèo dốc khiêng bệnh nhân từ nhà ra trục đường chính, rồi có xe đón thẳng về khu cách ly lấy mẫu xét nghiệm".

Khoa Phòng, chống bệnh lây nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) những ngày này luôn sáng đèn xuyên đêm

Mai mốt ba về…

Dịch bệnh bùng phát nguy hiểm, bên cạnh việc lấy mẫu tầm soát trong cộng đồng tại các vùng đã có dịch thì người dân từ các tỉnh, thành về địa phương rất nhiều, cộng với việc xét nghiệm hàng ngày cho các tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa trước khi đi đến các tỉnh khác khá đông, nên những ngày này lực lượng y tế gần như là làm việc hết công suất.

Vì vậy, đành tạm gác lại chuyện gia đình, xa nhà, nhớ con vì yêu cầu cấp bách của công việc, nên mọi nỗi niềm nhung nhớ chỉ đành gửi vào chiếc điện thoại đôi giây ngắn ngủi tranh thủ vào lúc ngơi tay để gọi về cho gia đình.

Kỹ thuật viên Hoàng Nam Cao, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh (Trung tâm Y tế huyện Đắk Song) tâm sự: “Con gái tôi mới được 18 tháng tuổi đang bập bẹ tập nói. Mỗi lúc tôi gọi điện thoại về nghe bé mếu máo gọi “ba ba” làm tôi nhớ con kinh khủng. Chỉ mong sao cho nhanh hết dịch, cho cuộc sống sớm trở lại bình thường để được về với gia đình thôi”.

Cùng đồng lòng, quyết thắng!

Không được phép chùn chân

Đôi mắt đỏ hoe sau nhiều đêm mất ngủ, bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: "Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đối với đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi ngày nào cũng là ngày sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh. Hơn 10 ngày nay, anh em y tế đã là việc hết công suất để cố gắng dập dịch nhanh nhất có thể.

Mọi người đều hiểu, tham gia chống dịch, thức trắng đêm, sống xa nhà là chuyện bình thường. Vì vậy, chúng tôi nói vui với nhau "ở đâu có dịch là ta cứ đi!", chỉ cần có ca mắc covid-19, cơ sở báo tin chỗ nào thì anh em lại lên đường, bởi đã là tuyến đầu thì không được phép chùn chân".

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, công tác phòng, chống dịch được xác định là cuộc chiến nguy hiểm và lâu dài của toàn dân. Mọi nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và tất cả sự hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ rất có thể sẽ trở thành vô nghĩa nếu vẫn còn những cá nhân vô trách nhiệm, thiếu ý thức khi không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Vì vậy, trước sự cống hiến thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch, mỗi cá nhân và cả cộng đồng cần luôn nâng cao ý thức, chung tay góp sức, đồng hành hơn nữa để cùng nhau ngăn chặn, sớm đẩy lùi dịch Covid-19.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ở đâu có dịch là ta cứ đi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO