Nuôi động vật quý làm cảnh, phóng sinh
Tháng 10/2021, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Gia Nghĩa đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Mạnh T. (SN 1967, trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) và Hoàng Anh T. (SN 1970, trú tại TP. Gia Nghĩa) về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Theo điều tra, tháng 6/2019, Nguyễn Mạnh T. có mua 2 cá thể vượn của 2 người chưa rõ nhân thân rồi đem về nhà mình nuôi nhốt. Đến ngày 30/4/2021, do bận công việc, không tiếp tục nuôi được nên T. gọi điện thoại cho em họ là Hoàng Anh T. nhờ nuôi giúp.
Cùng ngày, Nguyễn Mạnh T. đón xe khách từ Đắk Lắk đem số động vật trên đến cho Hoàng Anh T. nuôi hộ. Đến ngày 25/6, Hạt Kiểm lâm TP. Gia Nghĩa phát hiện ông T. có hành vi nuôi nhốt trái phép 2 cá thể vượn trên.
Bản kết luận giám định động vật của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật khẳng định, 2 cá thể động vật là loài vượn đen má hung, có tên trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đồng thời, loài vượn này cũng có tên trong Nhóm IB- Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Lực lượng chức năng thả 2 cá thể vượn đen má hung về môi trường tự nhiên |
Cũng trong tháng 10/2021, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cư Jút đã truy tố bị can Đoàn Thị L. (SN 1946, trú huyện Cư Jút) về hành vi trên.
Trước đó, vào ngày 31/12/2020, trong lúc đi thể dục buổi sáng, bà Đoàn Thị L. gặp một người đàn ông không rõ lai lịch đi bán 17 cá thể kỳ đà. Do có ý định mua kỳ đà để phóng sinh nên bà L. thỏa thuận mua 5 con. Sau khi bán 5 con kỳ đà, người đàn ông lạ mặt gửi 12 con còn lại cho bà L. để chiều quay lại lấy, nhưng sau đó không quay lại nữa.
Sáng 5/1/2021, Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra khu vực chăn nuôi phía sau nhà bà L. thì phát hiện 17 cá thể kỳ đà, tổng trọng lượng 27 kg. Quá trình giải quyết bà L. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số lượng kỳ đà trên.
Theo kết luận giám định của các cơ quan chức năng, 17 cá thể kỳ đà vân, thuộc lớp bò sát trong Nhóm IB nằm trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng
Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông cho biết, Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2017 đã quy định rõ về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên rừng |
“Rõ ràng, nhiều cá nhân vẫn chưa ý thức được việc bảo vệ động vật hoang dã nên có hành vi săn bắt, giết mổ hoặc mua bán. Để hạn chế tình trạng này, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của cộng đồng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ đưa các vụ án ra xét xử, nhằm cảnh báo, răn đe đối với những người đang và có ý định xâm phạm đến tài nguyên rừng trái pháp luật”, luật sư Nguyễn Thanh Huy nêu quan điểm.