
Gia đình ông Nguyễn Thanh Long trồng 5.000 m2 ca-cao với hơn 350 cây. Thời điểm năm 2020, giá ca-cao xuống thấp, sau khi trừ hết mọi chi phí thì không có lãi. Nhiều hộ dân trồng ca-cao trên địa bàn xã Phước Cát 2 đã chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác, nhưng ông Long vẫn kiên trì, tìm mọi cách để chăm sóc vườn ca-cao. Ông Long cho biết, trong một lần đi thăm vườn, ông ngạc nhiên khi thấy cây ca-cao nào có kiến vàng làm tổ thì phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh. “Lúc đó, tôi lóe lên ý tưởng về việc nuôi kiến vàng làm thiên địch, bảo vệ cây trồng. Về nhà, tôi lên internet tìm hiểu và thấy kiến vàng rất có lợi cho cây trồng, nhất là với loại cây có múi và quyết định làm thử”, ông Long chia sẻ.
Đầu năm 2021, ông Long vào các cánh rừng gần nhà tìm kiếm các tổ kiến mang về vườn nhân giống. Những đàn kiến được ông đem từ rừng về đã quen dần với môi trường sống trên cây ca-cao. Để nhân rộng đàn kiến ra khắp vườn, ông sử dụng dây điện cũ, dây nhựa kết nối các cây ca-cao lại với nhau. Kiến sau đó theo dây di chuyển từ cây này sang cây khác tìm thức ăn và làm tổ. Ông Long cho hay: “Cách nuôi kiến vàng khá đơn giản, chỉ cần treo lòng gà, lòng vịt là kiến vàng tự kéo nhau về làm tổ. Tuy nhiên, nếu nuôi kiến vàng thì không được xịt thuốc bảo vệ thực vật, vì nếu làm như vậy đàn kiến sẽ bỏ đi hoặc chết”. Sau hơn một năm, kiến vàng được ông Long nhân rộng ra khắp vườn, hiện nay trên mỗi cây ca-cao có từ một đến hai tổ, với hàng nghìn con. Thức ăn của kiến vàng chủ yếu là bọ cánh cứng và các loại sâu rệp. Từ khi đàn kiến vàng phủ kín vườn, các loại sâu bệnh gây hại trên cây ca-cao, như bọ xít, nhện, rầy, bọ cánh cứng, rệp sáp… đều bị tiêu diệt. “Từ ngày triển khai mô hình nuôi kiến vàng, tôi không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phun xịt cho cây cho nên không tốn công sức và tiết kiệm được chi phí. Nhất là khi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, con người được bảo đảm sức khỏe, bảo vệ môi trường và giảm chi phí đầu tư; nhờ vậy, vườn ca-cao phát triển xanh tốt, cho trái to, bóng, đẹp”, ông Long cho biết thêm.
Kiên trì với mô hình nuôi kiến vàng làm thiên địch và trồng ca-cao theo hướng hữu cơ, vườn ca-cao của gia đình ông Long cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả nuôi kiến vàng mang lại, ông Long hiện đang nhân rộng mô hình sang các loại cây trồng khác, như điều, sầu riêng.
Đánh giá về mô hình nuôi thiên địch của gia đình ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Cát 2 Đặng Văn Phước cho rằng, đây là mô hình mang lại nhiều hiệu quả cao. Ông Phước thông tin, hiện toàn xã Phước Cát 2 có hơn 50 ha ca-cao, trong đó có 14 ha đang cho thu hoạch. Qua khảo sát, vườn ca-cao của ông Long đang cho năng suất cao nhất xã, sản phẩm đạt tiêu chí an toàn. Từ mô hình này, địa phương đang xây dựng kế hoạch để phổ biến, nhân rộng trên nhiều loại cây trồng khác, nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe, môi trường và nâng cao giá trị nông sản.