Nuôi động vật hoang dã - Hướng phát triển mới ở Tuy Đức
Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều hộ nông dân ở Tuy Đức đã phát triển các mô hình chăn nuôi động vật hoang dã. Mô hình này ngày càng được nhân rộng.
Cách đây 5 năm, ông Ninh Hồng Giang, ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) đầu tư 20 triệu đồng mua 10 con dúi về nuôi. Ông Tận dụng nhà kho hơn 40m2 và làm các ô nuôi từ gạch hoa ốp nền nhà loại 60cm.
Sau nhiều năm nuôi, gây đàn và bán, ông đang duy trì 37 con dúi cái sinh sản. Tổng đàn dúi của ông hiện có khoảng 120 con. Ông Giang cho biết: "Nhà có đất rộng, tôi trồng được mía và tre, chỉ có bắp và cám là đi mua về cho dúi ăn thêm. Nuôi dúi rất nhàn, 1 ngày tôi chỉ dành khoảng 1,5 tiếng để cho ăn, chăm sóc là đủ. Năm vừa rồi, tôi vừa bán giống vừa bán thịt được hơn 60 triệu đồng".
Theo ông Giang, dúi rất dễ nuôi, chỉ cần người nuôi chú ý cho ăn thức ăn khô ráo, sạch để tránh dúi bị đau bụng, tiêu chảy.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế, người nuôi phải biết ghép đôi sinh sản. Để ghép đôi hiệu quả cần phải có kinh nghiệm, quan sát, theo dõi chu kỳ sinh sản của con cái.
Tương tự, anh Lê Văn Phúc, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đang tận dụng hơn 40m2 nhà kho để nuôi dúi. Anh cũng sử dụng gạch ốp nền nhà loại 60cm để làm chuồng nuôi. Từ 18 con dúi ban đầu, sau 2 năm nuôi, anh đã gây đàn được gần 70 con. Hiện nay, anh bắt đầu xuất bán giống.
Thức ăn của dúi chủ yếu là mía, tre, những thứ này nông dân có thể trồng. Ngoài ra, anh Phúc còn cho dúi ăn bổ sung bắp, cám và bổ sung thêm canxi.
Dúi sinh sản 1 năm 3 lứa, mỗi lứa sinh từ 2 – 5 con. Dúi thương phẩm đang có giá 500.000 đồng/kg. Dúi giống bố mẹ có giá 1,2 triệu đồng/kg.
Năm 2018, anh Khúc Văn Phường, ở xã Đắk Búk So, đầu tư 20 triệu đồng mua 8 con chồn hương về nuôi. Sau 6 năm, anh Phường đã gây đàn được 40 con chồn mẹ, 8 con chồn đực giống. Chồn hương có chu kỳ sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa sinh từ 3-4 chồn con.
Anh Phường chia sẻ, thức ăn của chồn hương khá đa dạng, dễ kiếm trong tự nhiên và quanh nhà, có thể là bột cám, cháo nấu, côn trùng, một số loại trái cây như đu đủ, chuối chín, cà phê... Trong quá trình nuôi, cần đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật về vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn uống để phòng bệnh.
Anh Phường đang bán chồn hương giống khoảng 2,5 tháng tuổi trở lên với giá từ 8 triệu đồng/một cặp, tùy theo kích thước và trọng lượng. Chồn hương thương phẩm được bán với giá từ 1,4-1,5 triệu đồng/kg.
Mỗi năm, anh Phường bán được hơn 100 con giống, mang về nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt nên chồn hương giống và chồn thương phẩm của anh Phường đạt tiêu chuẩn, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến đặt mua.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, trên địa bàn huyện Tuy Đức có 8 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có đăng ký kinh doanh với 78 cá thể chồn hương và 260 cá thể dúi.
Theo lãnh đạo huyện Tuy Đức, từ động vật nuôi hoang dã, huyện đang định hướng các hộ sản xuất liên kết hình thành HTX, xây dựng các sản phẩm hàng hoá bán ra thị trường. Các trang trại không dừng ở việc bán giống mà phát triển thành hàng hoá bán thịt và xây dựng thương hiệu địa phương.