“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một!”

Tường Mạnh| 03/09/2014 14:15

Khoản 1, Điều 5, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị, nhưng lại giàu tính triết lý, gói trọn cả niềm tự hào, tự cường dân tộc của bao người dân đất Việt.

Đó là chân lý về độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể hiện tinh thần đoàn kết cao độ của toàn dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Đối với dân tộc Việt Nam, một quốc gia thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ còn là một giá trị hết sức thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi  xương máu, sức lực của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Ông Lê Văn Liên (trái), dân tộc Thái, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố 7, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) luôn quan tâm trao đổi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến các dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Hồ Mai

Có thể nói, do những điều kiện về địa lý tự nhiên, nằm ở vị trí chiến lược nên lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình chống thiên tai, địch họa. Chính những cuộc đấu tranh đó đòi hỏi cộng đồng dân tộc phải sát cánh, đoàn kết, chụm lại với nhau. Tính tất yếu khách quan đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối còn xuất phát từ chủ trương, chính sách nhất quán của các thế lực xâm lược.

Việt Nam là một nước đất không rộng, người không đông, nhưng luôn phải đương đầu với các thế lực xâm lược hùng mạnh, các đế quốc lớn trên thế giới. Những thế lực này dù từ đâu đến, đến vào thời kỳ nào đều thực thi chủ trương, thủ đoạn “chia để trị”.

Trong Bản án chế độ thực dân Pháp viết vào năm 1925, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng vạch rõ: "Chủ nghĩa thực dân Pháp không hề thay đổi cái châm ngôn “chia để trị” của nó. Chính vì thế mà nước An Nam, một nước có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, chung một tiếng nói, đã bị chia năm xẻ bảy. Lợi dụng một cách xảo trá sự chia cắt ấy, người ta hy vọng phá vỡ tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau. Sau khi đẩy họ chống lại nhau người ta lại ghép một cách giả tạo các thành phần ấy lại, lập nên một “liên bang” gọi là “Liên bang Đông Dương””.

Trong điều kiện đó, để tồn tại và phát triển, người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đều nhắc nhở, đòi hỏi lẫn nhau: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Quá trình dựng nước và giữ nước đã hình thành nên truyền thống đoàn kết Việt Nam. Truyền thống đó trở thành nguồn gốc làm nên sức mạnh của cộng đồng người Việt và trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là mỗi khi đất nước bị họa xâm lăng. Lịch sử chỉ ra rằng,khi nào dân tộc bị chia rẽ, bè phái thì đất nước rơi vào tình trạng trì trệ, suy yếu và bị thôn tính.

Trong thời đại ngày nay, khi mà chủ nghĩa đế quốc đã liên kết với nhau trên phạm vi thế giới, khi mà mỗi vấn đề dù lớn hay nhỏ của một quốc gia đều có ảnh hưởng, tác động đến các quốc gia khác thì tư tưởng đại đoàn kết lại càng phải phát huy để tạo ra nguồn lực đủ sức chống lại sự tha hóa từ bên ngoài tràn vào, giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà vẫn tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Mặt khác, thế giới đang có những chuyển biến lớn theo xu hướng đa phương và song phương, hội nhập và phát triển. Đó là những yếu tố khách quan mang tính thời đại, bởi vậy sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới là một tất yếu lịch sử. Cách mạng Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề là chúng ta phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiềm năng sức mạnh dân tộc với sự vận động của quốc tế để không bỏ lỡ, không đánh mất thời cơ hội nhập phát triển, nhưng cũng không bị hòa tan, không lệ thuộc vào bên ngoài.

Bước vào công cuộc đổi mới, tư tưởng chủ đạo trong đường lối của Đảng ta là phải luôn khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sức mạnh của dân tộc. Đặt lợi ích dân tộc và lợi ích của con người lên hàng đầu, lấy đó làm cơ sở xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội, làm nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, phải mở rộng quan hệ quốc tế để tranh thủ mọi cơ hội, mọi khả năng, mọi nguồn lực bên ngoài nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot!-34022.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/nuoc-viet-nam-la-mot-dan-toc-viet-nam-la-mot!-34022.html

Nổi bật

    Mới nhất
    “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một!”
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO