Theo các nhà khoa học, núi lửa Thuận An hoạt động cách đây khoảng 781.000 – 126.000 năm và đến nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, với đường kính khoảng 300m, cao khoảng 80m, độ dốc sườn khoảng 200 trên độ cao địa hình 867m so với mực nước biển. Trên thực tế, núi lửa hơi có dạng hình oval, với sườn Tây Nam dốc hơn, trong khi sườn Đông Bắc tạo thành hai bậc thoải dần.
Một góc núi lửa Thuận An |
Ngay tại miệng và sườn núi lửa, các nhà khoa học chỉ tìm thấy tro xỉ, bom, các vụn núi lửa nên chưa nhận dạng và khoanh định được các dòng dung nham liên quan, tạm thời mới chỉ kết luận được đây là núi lửa hoạt động theo kiểu phun nổ.
Một trong những minh chứng khẳng định độ tuổi khá trẻ của núi lửa này. Cụ thể như ở xã Đắk Môl (Đắk Song) nằm phía Đông núi lửa Thuận An có một khu vực rộng khoảng 10.000 ha được gọi là “rừng lạnh”, có nhiệt độ thấp hơn các khu rừng khác khoảng từ 3-4oC. Trong đó, có khoảng 4.000 ha đất “rừng lạnh” đã được chuyển đổi sang trồng cà phê, nhưng nhiệt độ ở đây vẫn thấp hơn các vùng xung quanh khoảng 2oC.
Cách đó không xa, có nhiều mạch nước khoáng giàu khí CO2 đang được khai thác để thu hồi nguồn khí CO2 phục vụ cho việc chế biến nước giải khát. Khi chưa có hoạt động khai thác, mạch nước này có thể phun cao 15m so với mặt đất.
Hiện tượng thoát khí CO2 từ các mạch nước ngầm sẽ làm giảm nhiệt độ khu vực, đây cũng là điều thường gặp ở các vùng núi lửa trên thế giới. Mặt khác, sự tồn tại của các mạch nước khoáng nóng trong khu vực cũng là một dấu hiệu cho thấy vùng đất này đang trong giai đoạn vận động âm ỉ.
Cũng như các ngọn núi lửa khác trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, núi lửa Thuận An gắn liền với truyền thuyết thú vị của người M’nông qua những giai thoại sử thi hấp dẫn, được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Chuyên gia UNESCO thẩm định tại núi lửa Thuận An |
Sử thi M’nông nói lại rằng: “Ngày xưa, thần núi Nam Nung có sức khỏe phi thường và cai quản một vùng đất rộng lớn. Một hôm, thần núi Nam Nung đi chu du khắp nơi và thấy thần núi Nam Lê (vương quốc Campuchia) có cô gái cực kỳ xinh đẹp nên quyết tâm cướp lấy mang về làm vợ. Xót thương con gái, nhưng do thần núi Nam Lê sức yếu hơn, nên không thể cứu con gái.
Suy nghĩ mãi, thần núi Nam Lê quyết định mời thần núi Nâm Gle (núi lồ ô) làm sứ giả hòa bình đi thương thuyết với thần Nam Nung để mang con gái về. Mọi phương án đền bù đều được đưa ra, nhưng bất cứ điều khoản nào cũng không được thần núi Nam Nung chấp nhận, nên vụ thương thảo bất thành. Quá tức giận, thần núi Nam Lê dùng chân giẫm đạp lên đỉnh núi Nâm Gle làm núi bị sụp xuống tạo thành lòng chảo lớn. Để ghi dấu truyền thuyết này, về sau người dân sinh sống nơi đây thường gọi núi Nâm Gle R’luh là núi lồ ô bị lún hay là núi lửa Thuận An”.
Ngày nay, đồng bào M’nông sinh sống ở dưới chân núi lửa Thuận An vẫn thường xuyên kể cho con cháu nghe những truyền thuyết về sự ra đời của ngọn núi này thông qua những câu văn vần Ót N’drong. Trải qua bao đời, xung quanh khu vực núi lửa Thuận An đã được khai thác làm đất sản xuất nông nghiệp, nhưng những truyền thuyết về núi lửa Thuận An vẫn còn in dấu trong tiềm thức của đồng bào cho tới tận ngày nay.
Hiện nay, núi lửa Thuận An là một trong 44 điểm di sản của 3 tuyến du lịch của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.