Nữ trưởng bon nặng lòng với văn hóa M’nông

Hoàng Thanh| 30/12/2021 09:20

Ở bon Bu N’Drung, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) ai cũng yêu mến nữ trưởng bon Phạm Thị Dung. Mặc dù không phải là người dân tộc M’nông song chị được bà con xem như người con của bon làng.

ADQuảng cáo

Thêm yêu quê hương mới

Chúng tôi về bon Bu N’Drung đúng vào dịp bà con đang tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón mùa Giáng sinh năm 2021. Con đường vào bon ngày nào lổm chổm đá, lỗ chỗ ổ gà thì nay đã rộng rãi, phẳng lì từ đầu bon đến cuối bon. Tiếng chiêng từ nhà văn hóa bon dập dìu như thúc gọi chúng tôi.

Chị Phạm Thị Dung cho biết: "Hôm nay đội chiêng và đội dân ca, dân vũ của bon đang luyện tập để chuẩn bị biểu diễn chào mừng 15 năm Ngày thành lập huyện Tuy Đức. Tôi vốn không phải người dân tại chỗ ở nơi này. Năm 2009, gia đình tôi từ Gia Lai chuyển về đây sinh sống, mua rẫy làm kinh tế. Sống với người dân hiền lành, chân chất, nghĩa tình, tôi dần dà thêm yêu quê hương mới, yêu văn hóa của đồng bào M'nông lúc nào không hay".

Đội cồng chiêng và dân ca, dân vũ bon Bu N'Drung luyện tập tiết mục tham gia biểu diễn tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập huyện Tuy Đức

Được biết, năm 2016, chị Dung được bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ bon Bu N’Drung. Sau 2 năm, chị lại được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bon. Bằng tình yêu với văn hóa M’nông, với bon làng, chị Dung đã bàn bạc với già làng, một số chị em xông xáo, nhiệt tình thành lập câu lạc bộ văn hóa thể thao, nòng cốt là đội cồng chiêng, dân ca, dân vũ.

Nhằm giúp đỡ chị em có thêm thu nhập mỗi lúc nông nhàn, chị Dung thành lập hợp tác xã sản xuất rượu cần truyền thống. Đến nay, việc sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ rượu cần đã đạt được những kết quả ban đầu.

“Sống lại” đội chiêng

ADQuảng cáo

Theo chị Dung, do nhiều lý do khác nhau, trước đây bà con không thực sự mặn mà với chiêng, dân ca, dân vũ, chỉ mải mê làm ăn. Trăn trở với điều này, chị Dung đã bàn bạc với già làng Điểu Gay và những người có uy tín trong bon vận động người dân tích cực tham gia và tổ chức truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng cho thế hệ trẻ. Vậy là đội chiêng được thành lập, thu hút gần 20 nghệ nhân, trong đó hơn một nửa là phụ nữ tham gia.

Chị Phạm Thị Dung (ở giữa) cùng nghệ nhân Thị Pyơm dạy cách đánh chiêng cho Thị Dinh

Sau một thời gian, số người tham gia đội chiêng ngày càng tăng lên. Hiện toàn bon có tới 40 nghệ nhân biết đánh chiêng, biết múa dân ca, dân vũ, với 3 thế hệ khác nhau nghệ nhân già, trung niên và thanh thiếu nhi. Trong đó, có nhiều gia đình nghệ nhân có từ 2 thế hệ trở lên tham gia như vợ chồng Điểu Mah - Thị Ngốt và cháu là Thị Chúc; vợ chồng Điểu Krắk - Thị Pyơm và cháu là Thị Dinh...

Năm nay, đội chiêng và dân ca, dân vũ vinh dự được mời biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập huyện Tuy Đức (1/1/2007 - 1/1/2021).

Chị Phạm Thị Dung được già làng Điểu Gay chỉ cho cách làm cơm lam truyền thống của người M'nông. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Già làng Điểu Gay chia sẻ: “Người M’nông rất yêu quý chiêng, tiếng chiêng ngân lên góp phần chia sẻ, gắn kết cộng đồng. Với nhiều nỗ lực của nữ trưởng bon cùng bà con, bon làng, tiếng chiêng lại ngân vang, nên mọi người mừng lắm, luôn động viên con cháu gìn giữ, phát huy”.

Theo chị Tạ Huệ Liên, Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động (Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tuy Đức), đội chiêng bon Bu N’Drung là một trong số những đội chiêng tiêu biểu của huyện. Hiện nay, đội thường xuyên duy trì luyện tập, sinh hoạt và có nhiều thế hệ tham gia, chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa. Đặc biệt, bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được gìn giữ, phát huy, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ trưởng bon nặng lòng với văn hóa M’nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO