Nữ nông dân 3 năm kiên trì tìm trái ngọt trêncánh đồng dung nham
Sở hữu 4ha đất dưới chân núi lửa Nâm Kar ở thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú (Krông Nô), chị Nguyễn Thị Mai vạch từng hốc đá để trồng cam, quýt. Sau 3 năm kiên trì, vùng đất chỉ toàn cỏ dại và đá ong trở thành vườn trái cây độc nhất vô nhị ở Đắk Nông.
Vườn cam, quýt của chị Nguyễn Thị Mai nằm ở thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Vùng đất của núi lửa Nâm Kar được coi là một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt của tỉnh Đắk Nông, thế nhưng vườn cây ăn trái rộng hàng chục hecta của chị Mai như một lời khẳng định cho sự kiên trì của người phụ nữ miệt mài đi tìm trái ngọt suốt 3 năm qua.
Nhìn bên ngoài, có lẽ nhiều người sẽ không thể hình dung được, cả một vùng đất rộng lớn, cỏ mọc quá đầu người lại cho chị Mai thu hơn 100 tấn cam, quýt mỗi năm. Nông sản làm ra, được bán với giá cao gấp 2-3 lần giá của các mặt hàng cùng loại trên thị trường.
Chị Mai kể, năm 2016, khi đang làm đầu mối thu mua nông sản tại huyện Đắk Mil, chị quyết định dừng lại để thực hiện đam mê của mình. Đó là nông nghiệp hữu cơ.
"Thời gian dài làm đầu mối thu mua nông sản, rong ruổi khắp trong Nam, ngoài Bắc, tôi hiểu được những bất cập của sản xuất nông nghiệp thuần túy. Nhiều khi nông dân bị thương lái ép giá vì phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ. Chính điều đó đã thôi thúc tôi làm nông nghiệp", chị Mai kể.
Đặc biệt, thời gian làm nghề thu mua nông sản, chị Mai được tiếp cận với nhiều bạn hàng người Nhật. Từ đó chị biết được vùng đất núi lửa có rất nhiều khoáng chất giúp cây trồng phát triển tốt. Sau đó, chị Mai tìm đến xã Quảng Phú để mua một mảnh đất rẫy, hiện thực hóa đam mê của mình.
"Khi tôi đặt chân đến đây, vùng đất chỉ toàn cỏ dại. Biết tôi trồng cam, quýt, nhiều người dân địa phương còn khuyên tôi chọn thứ cây khác để trồng. Nhưng tôi bỏ ngoài tai hết cả, cứ một mình làm, nhiều khi đóng kín cửa vườn mà không giao tiếp với ai, chỉ để tư tưởng mình không bị lung lay", chị Mai nhớ lại.
Vườn cây ăn trái của chị Mai nằm ngay quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Phú. Điều dễ dàng nhận thấy nhất đó là cỏ và chuối rừng chiếm phần lớn diện tích của khu vườn này.
Nữ chủ vườn cây ăn trái xã Quảng Phú chia sẻ, dung nham từ núi lửa Nâm Kar khiến vùng đất này chỉ toàn đá ong. Lớp đá dày nên mùa khô bỏng rát, ngoài cỏ và chuối cô đơn thì không có loài cây nào có thể sinh trưởng bình thường được.
Trồng cây ăn trái trên đá ong chính là thách thức lớn đối với chị Mai. Những ngày đầu, chị phải đi vạch từng hốc đá để kiểm tra, hầu như chỉ có một lớp đất mỏng, không đủ cho cây sinh trưởng.
Chị nghĩ ra giải pháp tạo ra một lớp thảm thực vật, bổ sung đất mùn hàng năm. Sau đó, trồng cam quýt xuống từng khe đá rồi để cỏ phát triển. Cỏ lớn quá ngọn cây cam, quýt, chị Mai mới bắt đầu cắt dọn, rồi để tự hoai mục tại chỗ. Cứ như vậy, cam quýt vừa tránh được nóng, vừa bổ sung lớp đất mùn hàng năm, đồng thời hạn chế quá trình bốc hơi nước từ đất.
Chị Mai chia sẻ ngay từ đầu, chị đã xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học. Hai năm đầu tiên, cây giống phải cạnh tranh với cỏ dại để phát triển. Sau thời gian này, cây nào khỏe sẽ sinh trưởng tốt và bắt đầu cho thu bói trong năm thứ 3.
"Những ngày đầu, tôi mang mẫu đất đi phân tích thì được biết đất ở đây rất giàu khoáng chất, thích hợp với trồng các loại cây có múi. Thế nhưng điều tôi lo lắng nhất vẫn là trái khi thu hoạch sẽ như thế nào ?"- nữ chủ nhân vườn cam dưới chân núi lửa Nâm Kar nhớ lại.
Ba năm sau, những trái quýt đầu tiên cho thu hoạch. Cầm trên tay thành quả sau những năm kiên trì chăm sóc trên lớp đá ong nóng bỏng, chị Mai không thể diễn tả được cảm xúc. Sau đó, chị Mai đóng một thùng quýt lớn, một mình bắt xe ra Hà Nội để tiếp thị sản phẩm.
"Tôi ra Hà Nội, ý định ban đầu chỉ muốn nghe đánh giá về sản phẩm của mình, sau đó mới là tìm đầu ra cho cam quýt. Điều may mắn đối với tôi, quýt được trồng dưới chân núi lửa mang hương vị rất mới lạ, độ ngọt cao và bảo quản được lâu vì không sử dụng các chất hóa học", người phụ nữ 46 tuổi nói.
Mảnh đất toàn đá ong và cỏ dại, nay đã thu hoạch được 4 năm. Chị Mai liên kết với các đơn vị tiêu thụ, trong đó có cả hệ thống siêu thị Nhật Bản tại Việt Nam, đưa cam và quýt lên kệ, với giá bán cao hơn 2-3 lần giá thị trường.
Năm 2021 và năm 2022, chị Mai tiếp tục xuống giống 10 ha trồng các loại cây ăn trái.
Ngoài sản phẩm chính là cam, quýt tươi...
"Rẽ sang làm nông nghiệp có lẽ là quyết định táo bạo nhất của tôi !", chị Mai nhìn lại chặng đường đã qua.
Để có được trái ngọt như ngày hôm nay, chị Mai cho rằng đó không chỉ là minh chứng, một lời khẳng định cho những giá trị mà cánh đồng dung nham mang lại. Điều đó còn giúp chị Mai thành lập được một hợp tác xã, giúp đỡ hàng chục hộ dân khác phát triển kinh tế.
Năm 2020, chị Mai vận động người dân trên địa bàn thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Quảng Phú, hàng năm cung cấp khoảng 100 tấn trái cây và 80 tấn rau củ quả ra thị trường. Hiện HTX đã có 52 thành viên, thu nhập hàng tháng của mỗi người từ 7 đến 14 triệu đồng.
Chị Hà Thị Nga, thôn Phú Thuận (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) chia sẻ, trước đây người dân địa phương chỉ quen với sản xuất cây công nghiệp. Thời tiết khô hạn, đất đai lại toàn đá tổ ong nên sản lượng không cao. Sau khi tham gia tổ hợp tác, người dân địa phương đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất, bảo đảm được đầu ra.
“Nếu như trước đây sản phẩm làm ra phụ thuộc phần nhiều vào thương lái, thì hiện nay nông dân chúng tôi sản xuất theo đơn đặt hàng. Hàng làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ, thậm chí là thu mua với giá cao nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ, người dân địa phương có thêm điều kiện để phát triển kinh tế”, chị Mai cho hay.
Trước những đóng góp khi tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ địa phương trong giải quyết những vấn đề xã hội giai đoạn 2017-2022, cuối tháng 9 vừa qua, chị Mai được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen. Niềm vui càng được nhân lên khi các sản phẩm của HTX Nông nghiệp hữu cơ Quảng Phú được chứng nhận là Sản phẩm OCOP 4 sao.