Nữ doanh nhân trẻ và cái duyên với mắc ca

Lê Dung - Đức Hùng thực hiện| 11/11/2022 08:44

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu Macca sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa), vừa đoạt Giải thưởng Lương Định Của năm 2022. Ngoài nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách trong sản xuất, kinh doanh, cái duyên cũng là yếu tố mang tới thành công đối với nữ doanh nhân trẻ này... Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thị Ngọc Hương xung quanh nội dung nói trên.

PV:Mắc ca là sản phẩm tương đối mới trên thị trường của Đắk Nông cũng như cả nước. Mới thì thường đối mặt với nhiều thách thức, mạo hiểm. Vậy, lý do nào mà chị vẫn chọn mắc ca để khởi nghiệp ?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương: Có lẽ là cái duyên. Tình cờ trong một lần mua sản phẩm mắc ca có nguồn gốc từ Australia làm quà biếu, tôi nhận thấy, mặt hàng này được bán có giá rất cao, được bạn bè khen ngon, nhiều dinh dưỡng.

Trong khi đó, hạt mắc ca tại Đắk Nông đang được người dân trồng nhiều, nhưng vẫn ở dạng manh nha, chưa có đầu ra ổn định. Nhận thấy được điều đó, năm 2017, tôi ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp với dự án chế biến hạt mắc ca chuyên sâu.

Tôi bắt tay tìm hiểu ngay về cây mắc ca, rồi kiểm nghiệm thành phần các chất dinh dưỡng từ sản phẩm này. Tôi học hỏi cách thu mua nguyên liệu, tập tành cách sấy hạt tại nhà.

Phải mất gần 1 năm thử nghiệm, qua không ít lần cháy khét, hư hỏng… mới cho ra được sản phẩm mắc ca ưng ý nhất.

Đến tháng 5/2018, tôi đã hoàn thiện việc nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm mắc ca. Tôi đầu tư nhập một số máy móc, thiết bị tiên tiến cho việc chế biến chuyên sâu hạt mắc ca.

Đồ họa: N.T-L.D

PV:Được giải thưởng Lương Định Của, có nghĩa là chị đã vượt qua những khó khăn và thành công với sản phẩm mắc ca. Chị có quyền khoe một chút về thành công của mình?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương: Đến nay, tôi đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để xây dựng một nhà xưởng có diện tích 1.000m2, phục vụ cho việc chế biến sản phẩm mắc ca.

Tôi đã có 5 sản phẩm được chế biến chuyên sâu từ hạt mắc ca gồm: hạt mắc ca sấy, sữa mắc ca, dầu mắc ca, bánh mắc ca và son môi mắc ca.

Nhiều thiết bị tiên tiến được tôi áp dụng trong quá trình chế biến mắc ca như: kho bảo quản nguyên liệu, máy bóc tách, máy sấy, máy sàng phân loại hạt…

Mỗi năm, tôi cung ứng ra thị trường từ 40-50 tấn sản phẩm mắc ca các loại. Sản phẩm của tôi đang có mặt ở nhiều tỉnh, thành và hệ thống các siêu thị trong cả nước.

Một phần sản phẩm đã và đang tiếp cận với thị trường nước ngoài. Doanh thu bình quân mỗi năm của chúng tôi đạt khoảng 15 tỷ đồng. Lợi nhuận mang về năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2019, lợi nhuận đạt hơn 1,4 tỷ đồng; năm 2020 là 1,78 tỷ đồng và năm 2021 là hơn 2,1 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương thành công với sản phẩm mắc ca

PV:Chị lựa chọn phát triển sản phẩm mắc ca theo hướng Organic. Vậy hoạt động liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất mắc ca theo tiêu chuẩn này được chị thực hiện ra sao?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương: Để thực hiện hiệu quả dự án, trước tiên, ngoài việc thu mua nguyên liệu, tôi đã xây dựng chuỗi liên kết với bà con nông dân và các hợp tác xã.

Chúng tôi hiện đang liên kết trồng chuyên canh hơn 10 ha mắc ca theo hướng Organic đạt chuẩn USDA (chứng nhận hữu cơ của Mỹ). Trong đó, tôi hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, giám sát chặt chẽ quy trình trồng, thu hái mắc ca cho bà con.

Với việc trồng chuyên canh này, mắc ca sẽ được chăm sóc tốt hơn, ít nấm mốc, sâu bệnh, không bị tác động bởi các chất hóa học. Sản phẩm mắc ca vì thế bảo đảm các tiêu chuẩn sạch.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chi Minh trao giải thưởng Lương Định Của năm 2022

PV:Phải nói rằng, sản phẩm mắc ca của chị bước đầu đã tạo được tiếng vang đối với thị trường trong nước. Chị đang hướng tới thị trường xuất khẩu và cần những yếu tố nào để thành công?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hương: Tôi mong rằng, các cấp, ngành sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt pháp lý, tư vấn phương thức tiếp cận thị trường, marketing cho sản phẩm từ các dự án khởi nghiệp.

Đặc biệt các startup khởi nghiệp rất cần một cơ chế phối hợp giữa các tổ chức cơ sở đoàn, các tổ chức tín dụng để họ được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp, đáp ứng đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Khâu tìm kiếm thị trường xuất khẩu là rất khó khăn. Muốn thành công, phải có kinh nghiệm, sự nỗ lực của bản thân, nhất là sự hỗ trợ, dẫn dắt của các cấp, các ngành.

Tôi mong nhận được sự hỗ trợ để đưa sản phẩm mắc ca Đắk Nông tiếp tục vươn xa hơn nữa.

Liên tục gặt hái thành công

Năm 2019, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương đoạt giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Ðắk Nông. Năm 2021, sản phẩm mắc ca của chị được Bộ Công thương công nhận là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Năm 2022, bộ sản phẩm mắc ca của chị đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Năm 2022, chị Hương đoạt Giải thưởng Lương Ðịnh Của.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/nu-doanh-nhan-tre-va-cai-duyen-voi-mac-ca-96022.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/nu-doanh-nhan-tre-va-cai-duyen-voi-mac-ca-96022.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nữ doanh nhân trẻ và cái duyên với mắc ca
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO