Nông sản Lâm Đồng: Thương hiệu và số hóa thương mại

Minh Đạo| 08/08/2023 11:01

Kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP được tỉnh Lâm Đồng xác định là mấu chốt để đưa thương hiệu nông sản địa phương vươn tầm xa. Đầu tháng 8, tỉnh này tổ chức Hội nghị giữa các doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối trong và ngoài nước, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tạo đà phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.

Nông nghiệp thông minh gắn với tăng trưởng xanh

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng có diện tích canh tác khoảng 328.000 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên 66.000 ha. Năm 2022, toàn tỉnh có 07 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 13 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận; giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân 430 triệu đồng/ha, chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất của ngành. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ thông minh đạt trên 02 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3-8 tỷ đồng/ha/năm.

Mức độ ứng dụng công nghệ cao có tính đa dạng với nhiều kỹ thuật tiên tiến. Toàn tỉnh đã có khoảng 48.400 ha tưới tiên tiến tiết kiệm nước (42.664 ha tưới phun mưa, 5.461 ha tưới nhỏ giọt; 210 ha tưới phun sương và 65 ha thủy canh hồi lưu). Canh tác rau, hoa trên giá thể đạt trên 400 ha. 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 72,38 triệu cây giống cấy mô các loại/năm. Hiện Lâm Đồng có trên 150 ha nhà kính nhập khẩu với công nghệ hiện đại, tích hợp được các công nghệ thông minh trên thế giới, có giá trị đầu tư trên 01 triệu USD/ha. Công nghệ màng lợp nhà kính bằng PE 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi giúp đảm bảo an toàn cho người lao động được ứng dụng trên 500 ha nhà kính…

Tình Lâm Đồng hiện có 214 sản phẩm OCOP của 123 chủ thể 

Nông nghiệp thông minh của Lâm Đồng từng bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đã sản xuất khoảng 500 ha ứng dụng công nghệ thông minh tập trung trên cây rau và cây hoa. Hiệu quả đem đến là đã giúp người sản xuất giảm từ 10-20% lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; đồng thời, giảm từ 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động. Đó còn là trong chăn nuôi, các doanh nghiệp lớn sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR; sơ chế và phân loại nông sản; chế biến nông sản; truy xuất nguồn gốc điện tử…

Phát huy sản phẩm lợi thế cạnh tranh

Tỉnh Lâm Đồng tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Đến nay, Lâm Đồng đã phát triển 213 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và kiểm soát chất lượng theo chuỗi an toàn, đáp ứng năng lực cạnh tranh quốc tế. Trong đó, rau các loại diện tích canh tác khoảng 25.000 ha (diện tích gieo trồng đạt 74.000 ha), sản lượng 2,8 triệu tấn/năm; có 3.158 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất vệ sinh ATTP theo tiêu chuẩn VietGAP. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan… Sản lượng rau xuất khẩu đạt trên 35.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu trên 64 triệu USD.

Hoa các loại diện tích canh tác hoa 3.000 ha (diện tích gieo trồng khoảng 9.700 ha), sản lượng hoa cắt cành trên 3,9 tỷ cành, sản lượng hoa chậu 300.000 chậu. Có 2.000 ha hoa ứng dụng công nghệ cao. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, Úc, Đan Mạch, Trung Quốc, Đài Loan,…Sản lượng hoa xuất khẩu đạt 330 triệu cành và chậu hoa với kim ngạch xuất khẩu trên 62,7 triệu USD.

Nông dân dân tộc thiểu số tham gia trưng bày sản phẩm nông nghiệp sạch 

Cà phê diện tích 173.000ha, sản lượng 536.000 tấn, trong đó có 22.031 ha sản xuất cà phê công nghệ cao. Trong đó, 274,5 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất vệ sinh ATTP theo tiêu chuẩn VietGAP; 86.000 ha sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, Rainforest. Đặc biệt tỉnh Lâm Đồng có 16.972 ha cà phê chè (Arabica) chất lượng cao. Tuy nhiên, cà phê Lâm Đồng chủ yếu là xuất khẩu cà phê nhân thô đi các thị trường quốc tế (90%); chỉ có 10% sản lượng thực hiện rang xay phục vụ nhu cầu trong nước.

Chè diện tích 11.000 ha, sản lượng 164 ngàn tấn. Có 4.934 ha sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; 535 ha áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện có 161 công ty chế biến chè với quy mô 39.410 tấn/năm và 65 cơ sở chế biến chè với quy mô 10.000 tấn/năm.

Ngoài ra là Mắc ca trên 7.700 ha, sản lượng đạt 5.580 tấn; Điều 22.000 ha, sản lượng đạt 12.000 tấn; Sầu riêng 13.000 ha, đã được cấp 33 mã số vùng trồng với diện tích 2.135,2 ha. Bơ có diện tích đứng thứ 2 của tỉnh, đến năm 2022 đạt trên 8.200 ha, sản lượng 84.500 tấn. Chuối Laba là đặc sản độc đáo của Lâm Đồng nổi tiếng, diện tích hơn 1.000 ha, năng suất khoảng 25 tấn/ha; sản lượng khoảng 25.000 tấn/năm. Trong đó, xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng…

Năm 2023, ngành nông nghiệp Lâm Đồng có mức tăng trưởng GRDP ước đạt khoảng 5,18% so với năm 2022, tương ứng tổng sản phẩm (giá cố định 2010) ước đạt 21,05 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 245 triệu đồng/ha/năm, tăng 3,3% so với năm 2022. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 66.150 ha, tăng 1,3% so với năm 2022, tương ứng 22% diện tích canh tác toàn tỉnh.

Hiện, Lâm Đồng đã chuyển đổi, cải tạo 13.000 ha sản xuất kém hiệu quả; trong đó tái canh cải tạo 7.072 ha, chuyển đổi trồng mới được 6.005 ha. Giảm được 4.226 ha đất canh tác kém hiệu quả, đưa diện tích canh tác có giá trị dưới 50 triệu đồng còn khoảng 40.998 ha, chiếm 13,6% diện tích canh tác.

Từng bước số hóa thương mại

Tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng được 24 thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ 21 nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh. Đó là: Rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc… Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và phát triển thương hiệu “Đà Lạt- Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” sử dụng cho 04 sản phẩm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. Tỉnh đang xây dựng bộ tiêu chí để mở rộng nhóm sản phẩm được phép mang thương hiệu này như: quả hồng, atiso, dâu tây, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo, trà Oloong…

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 214 sản phẩm OCOP của 123 chủ thể. Trong đó, 9 sản phẩm 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao và 111 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm được công nhận thời gian qua là các mặt hàng nông sản qua chế biến và đã có thương hiệu, thị trường nhất định…

15 doanh nghiệp tham gia livestream với hơn 30 mặt hàng được rao bán tại Phiên chợ OCOP

Theo Trung tâm phát triển Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương, trong giai đoạn tháng 8/2021 đến hết tháng 7/2022, doanh số bán lẻ trực tuyến trên các sàn và website thương mại điện tử bán hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 258,3 tỷ đồng. Trong đó, doanh số tại sàn shopee cao nhất, chiếm 39,2% đạt 101,25 tỷ đồng; Tiki và Lazada chiếm 16% (41,3 tỷ đồng); các sàn khác như Sendo, Voso, Postmart, các website doanh nghiệp và các sàn của các sở trên toàn quốc chiếm 44,8% (115,75 tỷ đồng). Doanh số bán lẻ trực tuyến từ các trang mạng xã hội ước đạt 36% tổng giá trị bán lẻ hàng hóa trực tuyến trên các sàn và website thương mại điện tử bán hàng, ước tính trong năm qua đạt 93,0 tỷ đồng.

Trong 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng từ 16-30%. Từ 01/6/2022 đến 31/5/2023, doanh số bán hàng nông sản của Việt Nam đạt khoảng 4,6 tỷ đồng với hơn 49.000 sản phẩm đã bán ra, trong đó shopee chiếm 95,2% tổng doanh số và 90,5% về sản lượng, tiếp theo là Lazada và Tiki. Đối với mặt hàng nông sản, phân khúc khách hàng thường mua chủ yếu ở mức giá 100.000 – 200.000 đồng (Nguồn Trung tâm đào tạo và nghiên cứu thương mại điện tử (Alima).

Theo nangluongsachvietnam.vn
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Nong-san-Lam-Dong-Thuong-hieu-va-so-hoa-thuong-mai-6-1961-21864
Copy Link
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Nong-san-Lam-Dong-Thuong-hieu-va-so-hoa-thuong-mai-6-1961-21864

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nông sản Lâm Đồng: Thương hiệu và số hóa thương mại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO