Những năm gần đây, HTX Nông nghiệp Krông Nô đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng với các dòng sản phẩm về ca cao.
Với 2 sản phẩm chocolate Duy Nghĩa và bột ca cao Duy Nghĩa đều đạt OCOP hạng 3 sao, HTX đã tạo lập được niềm tin cho khách hàng về chất lượng, uy tín.
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết, từ khi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, HTX được ngành chức năng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Các sản phẩm của HTX có điều kiện trưng bày, quảng bá tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Sản phẩm gắn với thương hiệu OCOP đã giúp nâng cao uy tín, khách hàng cũng đặt niềm tin nhiều hơn.
Tương tự, HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú có hơn 100 ha cam, quýt, bưởi và đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho biết, HTX thấy rõ hiệu quả sau khi tham gia Chương trình OCOP.
Đó là thị trường được mở rộng, giá bán sản phẩm tăng cao và ổn định hơn so với trước khi chứng nhận OCOP. Điều này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên HTX.
HTX Nông nghiệp Krông Nô quảng bá sản phẩm ca cao tại Lâm Đồng |
Huyện Krông Nô hiện có 10 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm hạng 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã tạo được chỗ đứng trên thị trường như: gạo ST 24; cà phê phin giấy Thanh Thái; cam sành, quýt ngọt hữu cơ; chocolate Duy Nghĩa…
10 sản phẩm OCOP Krông Nô: Hạng 4 sao: Cam sành hữu cơ, quýt ngọt hữu cơ của HTX Nông, lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú; gạo ST 24 Krông Nô của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh; bơ núi lửa của HTX Nông nghiệp dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô. Hạng 3 sao: Chocolate, bột ca cao Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô; cà phê bột TIN TRUE COFFEE của HTX Tin True Coffee; cà phê bột rang xay, cà phê phin giấy của HTX Công bằng Thanh Thái; gạo ST 24 của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh. |
Các sản phẩm nông nghiệp tham gia chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, Chương trình OCOP đã khuyến khích các HTX, hộ sản xuất phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Nhiều nông sản sau khi tham gia OCOP đã tìm được chỗ đứng trên thị trường |
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của huyện đã được nâng cao giá trị, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. OCOP đang từng bước đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường…
Bên cạnh đồng hành, hướng dẫn, năm 2022, huyện đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng để các HTX phát triển sản phẩm. Từ sự hỗ trợ này, các HTX đã thiết kế bao bì, đăng ký chứng nhận các tiêu chuẩn, phân tích, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng Website….
Huyện đã hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng hình ảnh sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Cũng theo ông Doãn Gia Lộc, huyện Krông Nô tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu của địa phương thành các sản phẩm OCOP.
Đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, ngành chức năng của huyện tiếp tục đồng hành, hướng dẫn chủ thể duy trì và mở rộng diện tích đã được chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt.
Cùng với đó, huyện đồng hành với các chủ thể tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu... để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Huyện đưa sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử.