Kinh tế

Nông sản Đắk Nông lên sàn thương mại

Thanh Nga-Lê Dung 19/09/2022 11:57

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang là kênh tiêu thụ mới, giúp nông sản của tỉnh Đắk Nông đến nhanh, gần và hiệu quả hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Nông dân nhập cuộc

Thao tác nhanh, đơn giản lại không mất nhiều thời gian, giờ đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Sen ở tổ 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) chỉ cần ngồi ở nhà sử dụng điện thoại là có thể cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm tới mọi khách hàng.

anhr-1.png

Nhiều sản phẩm dưa lưới như Kim Long, Hoàng Long, Kim Hoàng Hậu… đang được bà trồng trong nhà kính với diện tích gần 5.000 m2, theo hướng VietGAP. Quy trình chăm sóc, bón phân, tưới nước… được thực hiện theo hình thức nhỏ giọt.

Hiện tại, mỗi tháng, bà Sen đang cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn dưa lưới các loại. Với giá bán dao động từ 45.000-55.000 đồng/kg.

anh-2(1).jpeg
Dưa lưới được đóng hàng trước khi gửi ra bưu điện vận chuyển đến khách hàng

“Trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu được bỏ mối cho những cửa hàng hoặc giao lẻ trực tiếp cho các khách quen. Từ khi tham gia sàn TMĐT “Postmart.vn”, gia đình chỉ cần thu hái, về đóng gói cẩn thận, nhân viên Bưu điện sẽ tới nhận, vận chuyển cho khách, không mất nhiều thời gian, chi phí”-bà Sen cho biết

Tháng 4 vừa qua, sản phẩm xoài Ðắk Gằn đã chính thức được chào bán trên sàn TMÐT. Thị trường mới đã mở ra cơ hội nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng xoài trên địa bàn.

Vùng nguyên liệu xoài được trồng theo hướng VietGAP, với diện tích 343 ha, do HTX Thương mại - Dịch vụ xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) quản lý.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 169 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác, với tổng diện tích được chứng nhận là 25.333 ha. Trong đó, VietGAP khoảng 2.071 ha; hơn 464 ha áp dụng GlobalGAP, hữu cơ; trên 22.797 ha áp dụng tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rainforest Alliance, Flo…

Doanh nghiệp đón cơ hội

Cách đây gần 2 tháng, sản phẩm “Cà phê FOT 48” của HTX Nông nghiệp Tiến Thành (Cư Jút) được tiếp cận sàn TMĐT, với sản lượng bán ra đầu tiên đạt gần 1 tạ.

Là sản phẩm mới, lần đầu có mặt ở một kênh tiêu thụ mới, nhưng cà phê OCOP 3 sao của HTX lại được khá nhiều khách hàng xem và quan tâm. Bởi gian hàng của HTX trên sàn “Posttmart.vn” thường xuyên được đơn vị cập nhật, chăm chút hơn về hình ảnh, thông tin, nguồn gốc, giá cả, chương trình khuyến mại…

anh-4.png

Ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết: "Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để nắm vững hơn về chính sách quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT".

Nhận thấy, người tiêu dùng mua sắm trên điện thoại thông qua các kênh TMĐT như: Shoppee, Lazada, Sendo, Postmart, mạng xã hội… rất nhiều. Vì vậy, hơn 2 năm qua, sản phẩm mắc ca chứng nhận OCOP hạng 3 sao của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) đã sớm có mặt trên các kênh TMĐT.

anhr-1(1).png

Theo bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty, doanh nghiệp bắt đầu rà soát lại về nguồn lực như: hạ tầng về dữ liệu, nhận thức của nhân sự, nguồn lực tài chính, nhu cầu công việc thực tế... Từ đó gia tăng hiệu quả quản lý, vận hành, đáp ứng nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng về các dịch vụ trên môi trường số.

anh-7.png

Nhờ có các sàn TMĐT, đơn vị được truyền tải hình ảnh, thông điệp đến gần hơn với khách hàng. Tỷ lệ chốt đơn sau khi khách hàng xem sản phẩm trên sàn nhiều hơn nhờ có những chính sách về miễn phí vận chuyển hoặc chương trình giảm giá.

Tăng tốc các chương trình hỗ trợ

Sàn TMĐT là kênh tiêu thụ tiềm năng. Để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận và kinh doanh hiệu quả, nhiều chương trình hỗ trợ đã và đang được tỉnh đồng loạt triển khai.

Theo kế hoạch, trong tháng 9/2022, Đắk Nông sẽ hoàn thành việc triển khai ứng dụng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, chương trình hướng đến các nội dung như: phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, truy suất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý...

anh-14(1).jpeg

Chương trình tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành; trong đó, ưu tiên các ngành nông sản chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều và rau, củ quả, sản phẩm OCOP, VietGAP...

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, mới đây, UBND tỉnh ban hành Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2022”.

Mục tiêu đến năm 2025, trên 50% doanh nghiệp của tỉnh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 20% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

anh-9.png

Theo Sở TTTT, đến nay, tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ lên sàn TMĐT cho 125 sản phẩm; trong đó, có 35 sản phẩm OCOP và 90 sản phẩm nông nghiệp khác. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 21.055 hộ, đạt 27%.

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp số đã được tỉnh ban hành. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số được tỉnh triển khai. Nhiều hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông đã và đang được hỗ trợ đưa lên các sàn TMĐT “voso.vn” và “postmart.vn”; trong đó, tập trung cho các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Đắk Nông lên sàn thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO