Nông nghiệp xanh, thông minh và đòn bẩy từ logistics của Lâm Đồng khi hợp nhất
Hợp nhất Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận đang mở ra cơ hội lớn để xây dựng một nền nông nghiệp xanh, thông minh và phát triển bền vững.
3 sinh thái, 1 hành lang
Hiếm có nơi nào như khu vực Đắk Nông – Lâm Đồng – Bình Thuận vừa có cao nguyên mát lành, đất bazan màu mỡ, vừa có vùng bán sơn địa chuyển tiếp và cả đồng bằng duyên hải trù phú.

Chính sự đa dạng địa hình và khí hậu này tạo nên một “tấm bản đồ nông nghiệp” phong phú, từ cà phê, hồ tiêu, mắc ca, rau, hoa ôn đới ở cao nguyên, cho đến thanh long, nho, chăn nuôi dê, cừu… ở vùng nắng hạn Bình Thuận.
Theo Tiến sĩ Phạm S, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc hợp nhất 3 tỉnh sẽ cho phép liên kết các vùng sinh thái nông nghiệp một cách bài bản hơn, tận dụng thế mạnh, bổ trợ lẫn nhau.
Đơn cử, Đắk Nông có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Lâm Đồng vốn đã đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ vào trồng trọt. Còn Bình Thuận đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với khai thác nông sản đặc hữu vùng duyên hải.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Coach Pro (Lâm Đồng) cho rằng, các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng mới hiện rất phong phú và chất lượng tốt.
Các doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn được liên kết với các thị trường lớn để xây dựng sàn giao dịch điện tử, trưng bày các sản phẩm cho địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Doanh nghiệp của Lâm Đồng sẵn sàng tham gia xúc tiến để cùng nhau quảng bá sản phẩm. Bởi nếu đi cùng nhau sẽ mạnh hơn và nhiều lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều.
Sau hợp nhất, doanh nghiệp, nhà đầu tư 3 tỉnh sẽ cùng nhau liên kết, tạo tư kết nối để tìm kiếm thị trường mới, cùng quảng bá thương hiệu sản phẩm tốt hơn.

Về vấn đề xuất khẩu, bà Hiền cho hay, lĩnh vực nông nghiệp của Lâm Đồng mới có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp được tốt hơn đang rất cần vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến sâu nông sản và hệ thống phân phối.
“Chúng tôi cần nhà đầu tư đẩy nhanh xuất khẩu, xây dựng nhà xưởng bảo quản, chế biến sâu cho nông sản sau thu hoạch”, bà Hiền chia sẻ.
Các chuyên gia đánh giá, khi 3 tỉnh được quy hoạch chung dưới một chiến lược phát triển, bài toán liên kết vùng – vốn là rào cản lâu nay, sẽ được giải quyết.
Việc chia sẻ dữ liệu khí hậu, thổ nhưỡng, thị trường và công nghệ giữa các địa phương sẽ thuận lợi hơn, thúc đẩy quá trình số hóa và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Các mô hình nông nghiệp thông minh, từ tưới tiêu tự động, quản lý mùa vụ bằng cảm biến, cho đến truy xuất nguồn gốc sẽ có “đất diễn” rộng hơn.
Các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nông nghiệp công nghệ cao sẽ được đầu tư theo quy mô vùng, thay vì manh mún trong phạm vi mỗi tỉnh như hiện nay.
Sau hợp nhất, Lâm Đồng mới có diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm lớn nhất cả nước, với quy mô trên 1.054.000ha. Trong đó, Đắk Nông có khoảng 378.000ha; Lâm Đồng có khoảng 320.000ha; Bình Thuận có khoảng 356.000ha.
Đòn bẩy từ logistics
Logistics, hạ tầng giao thông vận tải và chuỗi cung ứng nội vùng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn sau khi hợp nhất 3 tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.
Một lợi thế đặc biệt khi hợp nhất 3 tỉnh là khả năng kết nối nông nghiệp với 2 lĩnh vực có sức lan tỏa cao là du lịch và công nghiệp chế biến. Vùng cao nguyên – duyên hải này vốn là điểm đến hấp dẫn với hàng triệu lượt khách mỗi năm.

“Việc phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, từ vườn rau hữu cơ, vườn cà phê trải nghiệm đến trang trại công nghệ cao sẽ mở ra một thị trường đầu ra mới, đó là tiêu dùng tại chỗ gắn với trải nghiệm”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Nông Phạm Ngọc Hà cho biết.
Không chỉ dừng ở đó, chuỗi cung ứng chế biến sâu sẽ là đòn bẩy chiến lược cho nông nghiệp. Cà phê ngoài xuất thô, có thể rang xay, đóng gói.
Rau, củ bán tươi và chế biến đông lạnh, sấy khô, đóng hộp. Lợi thế địa lý giáp biển giúp tỉnh mới trở thành điểm trung chuyển xuất khẩu lý tưởng cho cả vùng.

Ngoài ra, với sự hình thành các trung tâm logistics, kho lạnh, sàn giao dịch nông sản kỹ thuật số, nông dân và doanh nghiệp nhỏ trong vùng sẽ tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, giảm phụ thuộc vào thương lái và thị trường truyền thống.
Với quy hoạch vùng tích hợp, có thể hình thành các vành đai nông nghiệp thông minh, phân bố theo tiểu vùng khí hậu, gắn với các khu công nghiệp chế biến, logistic nông sản.
Không gian sản xuất sẽ không còn bó hẹp trong ranh giới hành chính từng tỉnh, mà được quy hoạch động, hiệu quả theo chuỗi.

Sự mở rộng không gian cũng đồng nghĩa với mở rộng quy mô, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư bài bản.
Thay vì nhỏ lẻ, phân tán, các vùng nguyên liệu giờ đây có thể tích hợp thành các "cánh đồng thông minh tập trung", dễ dàng ứng dụng công nghệ số như vệ tinh giám sát, AI dự báo sâu bệnh, blockchain truy xuất nguồn gốc từ gốc đến ngọn…
Sau hợp nhất, nếu một chiến lược nông nghiệp xanh, thông minh gắn với liên kết vùng được xây dựng, 3 tỉnh sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp chất lượng cao của khu vực phía Nam, nơi vừa nuôi sống nội địa, vừa tiếp cận các thị trường khó tính trên thế giới.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông đạt hơn 1 tỷ USD; Lâm Đồng đạt 986 triệu USD; Bình Thuận đạt 791,5 triệu USD