Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp

Lê Dung| 03/01/2023 09:04

Chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng tất yếu để hiện đại hóa ngành Nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã và đang áp dụng hàng loạt giải pháp công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất.

ADQuảng cáo

Khắc phục những “rào cản”

Thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế số trong nông nghiệp của Đắk Nông hiện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề nhận thức về CĐS chưa đầy đủ, chưa toàn diện.

Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp chưa sâu rộng. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị thiếu.

Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất chưa đồng bộ. Trong khi đó, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với công nghệ số.

Việc CĐS trong ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mới mẻ, nên để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian tới, CĐS của ngành sẽ tập trung hướng đến mục tiêu: “Thông minh hóa quá trình sản xuất” và thực hiện thương mại hóa điện tử trong nông nghiệp.

Dùng bạt bọc quanh gốc cây ăn trái giúp giữ ẩm, hạn chế sự lây lan của sâu bệnh

Trong đó, ngành Nông nghiệp chú trọng vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca, bơ, sầu riêng...

Đắk Nông sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành như: quản lý bảo vệ rừng, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, sản phẩm OCOP, mã vùng trồng, cơ sở chế biến, thị trường nông sản…

Ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình chăn nuôi, xử lý rác thải…

ADQuảng cáo

Bắt nhịp chuyển đổi số

Theo Sở NN-PTNT, toàn ngành hiện đang vận hành 8 hệ thống, ứng dụng trong quản lý, điều hành các lĩnh vực như: lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi, phát triển nông thôn.

Cùng với đó, đơn vị đang triển khai xây dựng 4 hệ thống phần mềm liên quan, bao gồm: phần mềm tự động chấm điểm, quản lý sản phẩm OCOP; hệ thống thông tin thị trường nông sản; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp; hệ thống thực tế ảo 3D mô hình canh tác và hội chợ triển lãm nông sản tỉnh Đắk Nông.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp thường xuyên cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Phương pháp viễn thám và công nghệ phần mềm GIS trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đang được triển khai ứng dụng.

Vườn cây ăn trái của trang trại NATURAL PEARL AVOCADO HASS (Đắk Glong) được tưới và bón phân qua hệ thống tự động

Đơn vị đang đưa vào sử dụng phương tiện máy bay không người lái để bay, chụp ảnh từ trên cao, kiểm tra, theo dõi, phát hiện sớm những biến động về rừng, cập nhật hiện trạng rừng.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ của tỉnh hiện được hỗ trợ, hướng dẫn đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nhất là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP…

Tỉnh Ðắk Nông đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.098 sản phẩm; trong đó, có 47/47 sản phẩm OCOP và 1.051 sản phẩm nông nghiệp khác, với tổng số giao dịch 17.993 lượt. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 92,8%; số hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số là hơn 120.000 hộ, đạt tỷ lệ 72%.

Bà Trần Thị Kim Thinh, chủ trang trại NATURAL PEARL AVOCADO HASS (Đắk Glong) chia sẻ, từ khi mở rộng diện tích cây ăn trái, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia, gia đình đã tích luỹ nhiều kiến thức từ các trang mạng.

Gia đình bà dễ dàng tiếp cận được các kỹ thuật trồng trọt chỉ nhờ một cú click chuột. Sử dụng mạng xã hội giúp bà kết nối với các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp để nhờ tư vấn, hỗ trợ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO