Kinh tế

Nông nghiệp - Nền tảng phát triển của Đắk Nông 20 năm qua

Trần Thị Thoan 14/03/2024 08:50

20 năm qua, nông nghiệp luôn là nền tảng, trụ cột kinh tế vững chắc của Đắk Nông. "Trụ đỡ" này ngày càng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng

Khẳng định vai trò to lớn

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành Nông nghiệp luôn được Đắk Nông xác định là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế. Nông nghiệp là nền móng để ổn định, nâng cao đời sống người dân.

Qua 20 năm, thực tiễn đã chứng minh, quan điểm này của tỉnh là đúng đắn, phù hợp. Bởi vì, nông nghiệp luôn là "bệ đỡ" vững chắc cho nền kinh tế của tỉnh. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang có những bước tiến mới cả về chất lượng, hiệu quả và bền vững hơn.

Gia đình ông Trần Văn Quân, thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô (Đắk Nông) từ miền Bắc vào Đắk Nông lập nghiệp từ hàng chục năm nay.

Hiện gia đình ông có gần 2ha đất canh tác ca cao kết hợp chăn nuôi dê. Nhiều năm nay, thu nhập từ kinh tế nông nghiệp của gia đình ông luôn ổn định với mức thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

dsc_1152.jpg
Gia đình ông Trần Văn Quân, thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có mức thu nhập 300 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi dê

Vườn cây của ông được canh tác theo hướng thuận tự nhiên. Về kỹ thuật canh tác, ông chú ý đúng mức đến bón phân, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hợp lý nhằm bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp bền vững.

Đặc biệt, toàn bộ diện tích ca cao của ông đều có liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với giá bán luôn cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Ông Quân khẳng định: “Kinh tế nông nghiệp bền vững đã đem lại cuộc sống khá đủ đầy cho gia đình tôi.Từ chỗ làm ăn đơn lẻ nay tôi đã tham gia vào liên kết với một hợp tác xã để tạo mối làm ăn lâu dài, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm qua khâu chế biến sâu”.

Không chỉ gia đình ông Quân, lâu nay, nông nghiệp là chỗ dựa trong phát triển kinh tế của phần lớn người dân Đắk Nông. Nhận thấy các thế mạnh về nông nghiệp, Đắk Nông đã xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, chương trình để phát triển lĩnh vực này.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, những năm qua, tỉnh đã tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo nhằm phát huy các thế mạnh của nông nghiệp.

Tỉnh ban hành các nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Song song với công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ, kêu gọi đầu tư xây dựng các liên kết, chuỗi giá trị, chuỗi hàng hóa trong trồng trọt, chăn nuôi.

Nhờ định hướng, chỉ đạo tốt, nên ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã có những bước phát triển vượt bậc, lớn mạnh cả về quy mô lẫn giá trị kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp luôn duy trì ở mức khá, trong đó năm 2022 đạt 5,21, năm 2023 là 6,76%.

Bình quân phát triển nông nghiệp của Đắk Nông 20 năm qua đạt trên 5,8%/năm. Cơ cấu nội ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tăng tỷ trọng dịch vụ.

Sở NN-PTNT Đắk Nông

dji_0207.jpgui.jpg
Đắk Nông hiện có 319.397ha đất sản xuất nông nghiệp

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của Đắk Nông hiện nay tăng gấp 3,2 lần so với năm 2004. Tức là tăng từ 7.088 tỷ đồng năm 2004 lên 22.719 tỷ đồng năm 2023.

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

Nói về vai trò của ngành Nông nghiệp 20 năm qua, đồng chí Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: Nông nghiệp không ngừng lớn mạnh, luôn là "trụ đỡ" cho nền kinh tế, nhất là trong các bối cảnh như biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên toàn cầu.

Nhờ nông nghiệp, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt. Nông nghiệp đã làm cho diện mạo nông thôn Đắk Nông có sự thay đổi theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Sau 20 năm, quy mô sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông ngày càng mở rộng. So với 2004, tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp của Đắk Nông tăng gần 2 lần, từ 161.825ha lên 319.397ha. Trong đó, diện tích gieo trồng cây hàng năm tăng từ 72.915ha năm 2004 lên 84.724ha năm 2023. Diện tích gieo trồng cây lâu năm tăng từ 88.910ha năm 2004 lên 234.673ha năm 2023.

Sở NN-PTNT Đắk Nông

dsc_0162.jpg
Giá trị sản xuất trung bình 1 ha đất nông nghiệp của Đắk Nông đạt 103 triệu đồng

Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của tỉnh hiện nay tăng 7,9 lần so với 2004 (từ 13,01 triệu đồng lên 103 triệu đồng). Đắk Nông phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng. Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh được cải thiện rõ rệt về chất lượng, dần khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đến nay, Đắk Nông đã thành lập được 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), với diện tích 120ha. Tỉnh công nhận được 4 vùng sản xuất NNƯDCNC, với quy mô 2.423,17ha; công nhận 2 doanh nghiệp NNCNC. Tỉnh tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận 3 vùng NNƯDCNC trong thời gian tới.

Tổng diện tích sản xuất tiêu chuẩn trên toàn tỉnh đến cuối năm 2023 tăng 656,8 ha so với năm 2022, luỹ kế hiện có 29.286,56ha. Về vùng trồng xuất khẩu, trong năm đã được cấp 44 mã gồm 36 vùng trồng, 8 cơ sở đóng gói, luỹ kế toàn tỉnh hiện có 47 mã số với 37 vùng trồng, 10 cơ sở đóng gói.

z4928710697722_e8d141e1854c567de1fd17c7b1e3cd5b.jpg
Đắk Nông hiện có 10 cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

Toàn tỉnh hiện có 392 trang trại chăn nuôi, đã hình thành được 7 chuỗi liên kết tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, hiệu quả.

Đắk Nông định hình, phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng. Tỉnh hiện có 95 sản phẩm OCOP của 78 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất.

Trong đó có 16 sản phẩm đạt 4 sao, tăng 9 sản phẩm; 79 sản phẩm đạt 3 sao, tăng 26 sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia. Có 2 sản phẩm đang đề nghị cấp Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao.

Chất lượng các sản phẩm OCOP được đánh giá cao, hình thức bao bì rất bắt mắt, đảm bảo đúng quy định tiêu chuẩn, mang nét đặc trưng của địa phương và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất được bảo đảm với 307 công trình thủy lợi, cung cấp nước tưới cho hơn 82% diện tích cây trồng, tăng 52% so với năm 2004; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn được quan tâm đầu tư và tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92% tăng 30% so với năm 2004.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng dần đi vào ổn định, cơ bản kiểm soát được tình trạng phá rừng, các vụ vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời; số vụ phá rừng và diện tích rừng thiệt hại giảm rõ rệt qua hàng năm; công tác phát triển rừng ngày càng được chú trọng, hàng năm hoàn thành chỉ tiêu phát triển rừng được giao, kết quả từ năm 2004 đến nay trồng mới 36.454ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 39%.

Tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII xác định: “Phát triển NNƯDCNC bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực”.

Tỉnh xem nông nghiệp là một trong ba trụ cột của nền kinh tế và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của các cấp, các ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tỉnh tận dụng các lợi thế về đất đai, khí hậu, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để phát triển nông nghiệp một cách bài bản, hiện đại.

“Tỉnh Đắk Nông xây dựng các chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp theo hướng lấy hợp tác xã, doanh nghiệp làm trung tâm, coi chuyển đổi số là động lực mới của nông nghiệp. Đắk Nông không ngừng hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp bền vững”, ông Yên khẳng định.

dsc_0546.jpg
Đắk Nông phát triển nông nghiệp theo vùng tập trung, hàng hóa lớn

Đắk Nông hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt tiêu chuẩn chất lượng; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, sản xuất nông nghiệp; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản, thị trường và xuất khẩu.

Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh công tác trồng rừng, nông lâm kết hợp; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40% và định hướng đến năm 2030 nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 42%.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nông nghiệp - Nền tảng phát triển của Đắk Nông 20 năm qua
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO