Các đại biểu tham dự hội nghị ở điểm cầu Đắk Nông |
Theo Bộ NN-PTNT, sau 3 năm triển khai Nghị định, Việt Nam có 174.351 ha đất phát triển NNHC. Trong đó, 63.536 ha đất trồng trọt, 100.000 ha nuôi trồng thủy sản, 12.450 ha thu hái tự nhiên. Có 17.174 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm NNHC; 555 cơ sở chế biến các sản phẩm NNHC; hơn 100 nhà xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm NNHC.
Đối với tỉnh Đắk Nông, NNHC đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở (hộ, trang trại, doanh nghiệp) đạt chứng nhận hữu cơ với 659 ha, sản lượng 2.525 tấn. Sản phẩm NNHC chính của tỉnh gồm: 492 ha hồ tiêu, 70 ha cà phê, gần 100 ha các sản phẩm rau và cây ăn trái.
Để làm nền tảng cho sự phát triển nông nghiệp hữu cơ, toàn tỉnh có 169 tổ chức, cá nhân, cơ sở được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP), Rainforest Alliance, UTZ... với tổng diện tích hơn 26.000 ha.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện Nghị định còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Người dân quen sản xuất thâm canh tác lạm dùng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Việc chuyển đổi sang NNHC cần thời gian khá dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao gây khó khăn cho người dân khi chuyển đổi. Diện tích sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu tập trung cũng tạo ra những hạn chế nhất định trong quá trình chuyển đổi sang phương thức canh tác bền vững cũng như áp dụng công nghệ cao. Kinh phí chứng nhận lớn với những quy trình nghiêm ngặt…
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông thực hiện Đề án NNHC, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2035. Đề án phát triển NNHC nhằm phát triển NNHC bền vững, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.