BID marathon mobile
Kinh tế

Nông nghiệp hàng hóa - Bước chuyển mình ở Đắk R'lấp

Trần Thị Thoan 04/03/2025 08:44

Huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận, liên kết bao tiêu sản phẩm.

Chuyên nghiệp hóa khâu sản xuất

Huyện Đắk R'lấp có diện tích tự nhiên 63.584ha, trong đó trên 55.500ha đất sản xuất nông nghiệp. Đất đai, khí hậu nơi đây phù hợp với các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê, cao su, điều và cây ăn trái như sầu riêng.

Trong những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân trên địa bàn huyện đã tập trung đầu tư các giống mới, kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Nhiều khâu sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản của huyện được đầu tư công nghệ, cơ giới hóa, bán tự động, đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn.

dsc_0573.jpg
Nông dân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp áp dụng các quy trình canh tác chanh dây an toàn

Cụ thể như tại xã Đắk Ru, ông Bùi Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hàng hóa, gắn với ứng dụng một phần công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đạt các chứng nhận.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp hàng hóa ngày càng được nông dân quan tâm. Điển hình như bà con tập trung cho cây chủ lực là cà phê.

Cây cà phê của xã hiện đạt ổn định mức 2.200ha, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao, liên kết chiếm khoảng 70%, năng suất trung bình mức 3 tấn/ha.

Thời gian qua, Đắk Ru ngày càng nhân rộng được các mô hình về kinh tế hợp tác như HTX, tổ hợp tác. Các mô hình hợp tác tập trung những cây trồng như sầu riêng, mắc ca, cà phê, điều...

Ông Đinh Quốc Cử, thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru cho biết, gia đình có trên 4ha đất, trồng 700 cây sầu riêng, xen 4.000 cây cà phê. Vườn cây được quy hoạch theo các khu vực bài bản, giống cây trồng đều là giống mới với nhiều ưu điểm vượt trội.

dsc_0107.jpg
Ông Đinh Quốc Cử, thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru đạt mức thu nhập 4 tỷ đồng trên 4ha đất canh tác

Gia đình ông Cử canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn bộ nông sản có liên kết bao tiêu đầu ra ổn định. Tổng thu nhập trung bình mỗi năm trên 4ha đất của ông Cử đạt 4 tỷ đồng.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp, nông nghiệp hàng hóa gắn với liên kết sản xuất ngày càng được các chủ thể của huyện coi trọng.

Trong đó, nông dân gắn với đa dạng hình thức canh tác như nhà kính, nhà màng, áp dụng công nghệ tưới tự động, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất để đạt tiêu chuẩn tốt.

Một điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp của Đắk R'lấp là phát triển các vùng trồng, liên kết, tạo vùng hàng hóa ngày càng được người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh.

Tiêu biểu như cà phê với hơn 21.0000ha, diện tích cho sản lượng là trên 19.300ha, phần lớn có liên kết bao tiêu. Hầu hết đã được người dân tái canh, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, năng suất bình quân đạt 2,97 tấn/ha.

Ngoài ra, các loại cây trồng chủ lực của huyện như cao su, hồ tiêu, điều được nông dân trên địa bàn huyện duy trì chăm sóc và cho năng suất ổn định.

1000003439 (1)
19.300ha cà phê cho thu hoạch của nông dân Đắk R'lấp phần lớn có liên kết bao tiêu sản phẩm

Diện tích cây sầu riêng của huyện có xu hướng tăng, hiện có 2.260ha. Nhiều diện tích sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói, giúp xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trên địa bàn huyện có 20 mã vùng trồng và 4 mã cơ sở đóng gói đối với sầu riêng và chanh dây phục vụ xuất khẩu tới các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Các khâu trong sản xuất nông nghiệp như áp dụng tưới tiên tiến, nhỏ giọt, nhà màng, nhà kính đã được người dân chú trọng áp dụng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng.

Gắn sản xuất với chế biến

Huyện Đắk R'lấp đẩy mạnh liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giúp gia tăng giá trị nông sản, giải quyết việc làm, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Huyện tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đầu tư xây dựng, mở rộng các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản nhằm tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng.

san-pham-ocop-18577961c580b3b9e611eb23ee9a1f40(1).jpg
Đắk R'lấp đã xây dựng được 21 sản phẩm OCOP

Cụ thể như Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, đóng chân tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp đang triển khai mô hình nông nghiệp hàng hóa. Doanh nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp liên kết với hơn 1.000 nông hộ, với 3.500ha cà phê đạt tiêu chuẩn 4C và Rainforest Alliance. Nhà máy chế biến cà phê sinh thái Toàn Hằng được xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn ISO 2018, công suất 300 tấn/ngày.

Nhà máy chế biến trái cây Toàn Hằng có quy mô thiết kế 6.000m2, trước mắt tập trung chế biến cấp đông các loại trái cây như: sầu riêng, bơ, chanh dây.

1000003436-7fcb195beb683cda2a4bf2254861bc05.jpg
Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng liên kết với nông hộ canh tác đạt chuẩn quốc tế 3.500ha cà phê

Tương tự, HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Trường Thịnh, ở xã Hưng Bình, liên kết sản xuất, chế biến sầu riêng trên địa bàn huyện và một số khu vực lân cận.

Ông phạm Văn Trường, Giám đốc HTX cho biết, liên kết, sản xuất hàng hóa lớn, ổn định cả chất lượng và số lượng luôn được HTX quan tâm. Điều đáng nói từ sự ưu việt trong tổ chức sản xuất nên số lượng xã viên vào hợp tác xã ngày càng tăng.

Hiện HTX đã có liên kết với hàng chục hộ dân sản xuất sầu riêng tại Đắk Nông, Bình Phước, với diện tích đạt trên 300ha, tăng gần 100ha so với năm trước. Trong đó, 20 hộ dân ở Đắk Nông liên kết với HTX được cấp mã vùng trồng, với diện tích 65ha.

Gắn sản xuất với chế biến, HTX lắp đặt 1 kho lạnh với diện tích 150m2. Trong các năm 2023, 2024 đã xuất khẩu sang Trung Quốc hàng trăm tấn sầu riêng và một số nông sản đã qua bóc tách, sơ chế.

Sản phẩm trái sầu riêng của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao; được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, HACCP.

img_7446.jpg
Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng đơn vị lớn liên kết, chế biến nông sản ở huyện Đắk R'lấp

Theo ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, năm 2024, các diện tích có liên kết, mã vùng trồng của huyện tiếp tục được ngành chức năng, chủ hộ, doanh nghiệp kiểm tra, kiểm soát về yêu cầu chất lượng, bảo đảm đạt các yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Nhiều vùng trồng đã chứng tỏ sự khác biệt, có dấu ấn rõ nét hơn về tổ chức sản xuất, giá trị sản phẩm, thu nhập, sức khỏe của nông hộ so với sản xuất thông thường.

Điều này đã và đang có tác dụng lan tỏa rất tích cực đối với quá trình phát triển nông nghiệp tốt, đạt các chứng nhận phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đắk R'lấp có 4 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn HACCP là Công ty TNHH Hồng Đức; HTX Nông nghiệp TMDV Trường Thịnh; HTX Nông nghiệp Đắk Ka; HTX Nông nghiệp Hoàn Phương. Huyện có 1 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn ISO 2200s0: 2018 là Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nông nghiệp hàng hóa - Bước chuyển mình ở Đắk R'lấp
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO