Kinh tế

Nông nghiệp Đắk Nông với chuyển đổi số

Thanh Nga 15/08/2022 15:55

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư GREEN STARS (TP. HCM) đẩy mạnh ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp và ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Phóng viên Báo Đắk Nông (PV) có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư GREEN STARS (TP. HCM) về nội dung này.

note1-862x864.png

PV: Từ thực tế, ông thấy người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp có nhu cầu đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, đối với Việt Nam chúng ta, Chính phủ rất quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện Công ty đang liên kết với Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 2 (tại TP. HCM) và Trường Trung cấp đào tạo nghề và đào tạo cán bộ hợp tác xã miền Nam (tại Long An), thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để liên kết đào tạo các phần mềm ứng dụng công nghệ số và đưa vào giải pháp làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân, HTX, doanh nghiệp. Đối với bà con ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ thì hiện nay đa số đã tiếp cận và phát triển tương đối tốt để đưa vào sàn thương mại điện tử. Thời kỳ Covid-19 những năm vừa qua, do hạn chế về giao thương nhưng nhờ áp dụng sàn thương mại điện tử đã duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh khá tốt.

hinh-2(1).png

Chúng tôi được Bộ Nông nghiệp - PTNT chọn là một trong những đơn vị đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số trên nền tảng kinh tế hợp tác xã và liên kết chặt chẽ với Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh. Đồng hành cùng Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông trong việc tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết chuỗi, liên kết chuyển đổi số trong nông nghiệp… chúng tôi thấy rất thiết thực. Hiện nay, với nền kinh tế toàn cầu bắt buộc chúng ta phải hướng cho nông dân tiếp cận quy trình chuyển đổi số. Qua đó, tôi thấy bà con nông dân Đắk Nông đã thay đổi cách nhìn để nâng cao đời sống từ sản xuất nông nghiệp.

hinh-3(1).jpeg
Công ty cổ phần GREEN STARS ký kết với Đắk Nông về CĐS trong nông nghiệp

PV: Thưa ông, một sản phẩm bán ở thị trường truyền thống so với đưa lên sàn thương mại điện tử thì sự tương tác khác nhau như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Sản phẩm nông nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử hiệu quả rõ ràng, bền vững và rất tiềm năng. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam chúng ta có sự linh hoạt về tiệm cận về sản phẩm. Hiện nay, có những dịch vụ chúng ta ngồi ở nhà và hàng hóa được mang đến tận tay - đó là hiệu quả từ công nghệ số. Với nông nghiệp, chúng ta phải làm sao để khách hàng biết giá trị của sản phẩm và sản phẩm chúng ta làm ra sẽ đi về đâu?

hinh-4(1).png

Hiện nay, chỉ có đưa số hóa vào và mã hóa sản phẩm thì sản phẩm nông nghiệp của chúng ta có giá trị. Giá trị to lớn đó là khi khách hàng nhận diện được đây là sản phẩm tốt thì người tiêu dùng sẽ đổi lấy một chi phí tương ứng. Nếu không đưa số hóa vào mà sản xuất thuần túy, (tức là khi sản phẩm sản xuất ra chỉ bán cho thương lái) thì giá trị sản phẩm rất thấp . Rõ ràng, cách bán thuần túy này không bền vững và không giúp cho người tiêu dùng nhận diện về chất lượng sản phẩm. Với chương trình áp dụng số thì nhiều người tiêu dùng sẽ thấy được sản phẩm của chúng ta có chỉ dẫn địa lý đến tận vườn và quy trình kỹ thuật sản xuất, chất lượng sản phẩm được chuyển tải đến khách hàng minh bạch.

hinh-5.png

PV: Ông cho ví dụ và đánh giá hiệu quả về kinh tế đối với sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Ví dụ như bưởi Đồng Tiến ở Củ Chi (TP. HCM) khi chưa đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử thì thương lái ở Bến Tre lên mua về và người ta lấy thương hiệu khác để bán. Vậy tại sao có bài toán là nông dân làm ra sản phẩm mà họ không quyết định được sản phẩm đến khách hàng mà lại phải lệ thuộc vào đối tác khác? Chính việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp khách hành nhận diện được bưởi Đồng Tiến là bưởi ngon và tìm mua.

hinh-6.png

Sàn thương mại điện tử đã giúp nhiều khách hàng tiếp cận được sản phẩm của nông dân để nâng cao giá trị. Ở Đắk Nông có nhiều sản phẩm chất lượng nhưng đang mất thương hiệu vì chưa chú trọng khai thác sàn thương mại điện tử. Vì thế, khi ứng dụng sàn thương mại điện tử sẽ giúp khẳng định thương hiệu cho nông sản Đắk Nông và mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt trong việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Với việc các cấp, các ngành của Đắk Nông, trong đó có Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả cao cho phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Đắk Nông với chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO