Kinh tế

Nông nghiệp Đắk Nông và mục tiêu vươn tầm giá trị

Hưng Nguyên 04/09/2023 05:00

Nông dân Đắk Nông đã tập trung sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, gắn vùng nguyên liệu, tăng hàm lượng khoa học, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm.

Thay đổi quy trình sản xuất

Anh Hồ Văn Vinh, thôn Đắk Kim, xã Đắk Lao (Đắk Mil), có 3 ha cà phê. Vụ cà phê năm 2022, gia đình anh thu được gần 10 tấn. Trong đó, có 5 tấn, được sản xuất, chế biến theo quy trình cà phê đặc sản. Sau khi đánh giá chất lượng cà phê, đơn vị thu mua đã chốt giá 75.000 đồng/kg. Anh Vinh cho biết, quá trình chăm sóc cà phê, anh sử dụng chủ yếu các loại phân vi sinh, thuốc sinh học. Anh thu hái cà phê với tỷ lệ 100% trái chín.

hinhhinh1(1).jpg
Anh Vinh tuyển lựa cà phê nhân để thử nếm, kiểm tra chất lượng sau mùa thu hoạch cà phê

Trong cuộc thi cà phê đặc sản năm 2021 tại Đắk Lắk, cà phê của anh Hồ Văn Vinh đạt trên 80 điểm, đạt cà phê đặc sản. Từ đó, anh áp dụng quy trình này để sản xuất cà phê, kết nối tiêu thụ. Mức giá cà phê anh bán thường cao hơn nhiều so với trồng cà phê canh tác truyền thống.

Hiện nay, việc nâng cao giá trị nông sản bằng việc sản xuất nông nghiệp theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng đang được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông áp dụng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 211 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất theo các quy trình 4C, UTZ, Rainforest Alliance, VietGAP, GlobalGAP, Organic… hoặc tương đương, với tổng diện tích trên 28.629 ha.

Đắk Nông có một số HTX, tổ hợp tác đã liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu theo các tiêu chuẩn 4C, VietGAP, GlobalGAP, Organic… và được nhiều công ty, doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.

Gắn sản xuất với chế biến

Năm 2019, sau khi liên kết với các hộ sản xuất mắc ca tại địa phương để hình thành vùng nguyên liệu, chị Tôn Nữ Ngọc Như, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), đã đầu tư hơn 500 triệu đồng mua máy sấy, máy tách hạt để chế biến mắc ca.

Chị Như cho biết, hiện nay, chị chế biến khoảng 20 tấn mắc ca sấy mỗi năm. Chị còn đầu tư thiết kế bao bì, mẫu mã, tìm hiểu cách tuyển lựa nguyên liệu chất lượng để chế biến, đóng gói nhằm tối ưu giá trị. Chế biến đã giúp chị tăng giá trị mắc ca lên từ 20 - 35%. Sản phẩm mắc ca qua chế biến của chị đã đạt OCOP hạng 3 sao.

dsc07211(1).jpg
Sản phẩm qua chế biến được đóng gói và bán ra thị trường vừa tăng giá trị vừa tạo chỗ đứng trên thị trường

Tương tự, HTX Nông nghiệp, dịch vụ Long Việt (Tuy Đức) đã hình thành vùng nguyên liệu 140 ha mắc ca. HTX đã đầu tư máy sấy, máy tách vỏ để chế biến mắc ca. Mỗi năm, HTX chế biến hơn 30 tấn mắc ca sấy, đóng gói bán ra thị trường. Giá trị sản phẩm mắc ca sau chế biến của HTX đã tăng từ 30% - 35%. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX, cho biết, chế biến không chỉ nâng giá trị sản phẩm mà còn từng bước gây dựng thương hiệu nông sản, tìm kiếm được chỗ đứng trên thị trường.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, nhiều loại nông sản của tỉnh đang được người dân, doanh nghiệp đầu tư máy móc chế biến, nâng cao giá trị và tìm kiếm thương hiệu trên thị trường. Đắk Nông hiện có 34 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến cà phê. Tỉnh có 10 cơ sở, doanh nghiệp chuyên sơ chế, chế biến hồ tiêu.

Đối với cây ăn trái, trên địa bàn tỉnh có khoảng 18.535 ha, trong đó 8.535 ha cho sản phẩm, sản lượng 86.640 tấn/năm. Có 1.085 ha sầu riêng, xoài, mít, bơ… sản xuất đạt các chứng nhận. Trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở sơ chế, chế biến trái cây.

them-tieu-de-phu-13-.png

Tăng hàm lượng khoa học, công nghệ

Trong những năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường các hoạt động chuyển giao tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Một số giải pháp công nghệ cao được áp dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh, quản lý dịch hại tổng hợp…

Từ năm 2018 đến nay, Sở KHCN đã thực hiện 6 dự án thử nghiệm, chuyển giao KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên nhiều loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, lúa, hoa, rau, quả... Sở NN-PTNT triển khai 6 dự án; 8 đề tài, dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

dsc07230(1).jpg
Đắk Nông đang khai thác tối đa lợi thế vùng nguyên liệu nông sản, tăng giá trị sản xuất

Đắk Nông có trên 379.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trồng trọt đang chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị. Các địa phương chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh để tăng giá trị kinh tế.

Tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng và 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). Toàn tỉnh có 85.000 ha cây trồng ứng dụng về giống mới, tưới nước tiết kiệm, sản xuất chứng nhận…, với sản lượng hàng năm ước đạt trên 404.000 tấn/năm. Đắk Nông đã hình thành được 23 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản trên 15.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 5,21%.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân, tiến đến sản xuất theo hướng kỹ thuật, chất lượng cao hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường.

Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học được sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất giúp khai thác tốt các điều kiện tự nhiên, lợi thế vùng, đem lại thu nhập ổn định, hướng đến sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục tiêu của Đắk Nông đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tỉnh thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt ít nhất 20% tổng giá trị sản lượng ngành Nông nghiệp.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nông nghiệp Đắk Nông và mục tiêu vươn tầm giá trị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO