Kinh tế

Nông nghiệp Đắk Nông và khát vọng vươn ra biển lớn

Trần Thị Thoan 15/02/2024 04:36

Với những thế mạnh, nông nghiệp Đắk Nông ngày càng có cơ hội khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những tiền đề

Đắk Nông có độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 600m-700m. Tỉnh có một nguồn tài nguyên đất bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, rất thuận lợi để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hàng hóa lớn.

Những năm qua, Đắk Nông đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao giá trị cho ngành Nông nghiệp. Phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận được người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy mạnh mẽ.

dsc_0609(1).jpg
Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp Đắk Nông hiện đạt trên 309.397 ha

Quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng mở rộng. Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp hiện đạt trên 309.397ha, tăng gấp 2 lần so với lúc mới tái lập tỉnh. Trong đó, diện tích cây công nghiệp, cây lâu năm trên 235.200ha, cây hàng năm gần 74.000ha.

Đắk Nông xác định và xây dựng thành công các vùng nguyên liệu lớn về 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều và chăn nuôi quy mô lớn heo, bò, gia cầm…

img_8600(1).jpg
Đắk Nông có 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng

Đắk Nông phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng với năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện rõ rệt, dần khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong đó, một số loại cây trồng, Đắk Nông có diện tích, sản lượng, chất lượng đứng đầu khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước.

Điển hình như với cây hồ tiêu, Đắk Nông hiện có 34.000ha. Năng suất bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 2,4 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn. Hồ tiêu Đắk Nông đứng đầu khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích, đứng thứ 2 về sản lượng sau tỉnh Đắk Lắk.

Đối với cây cà phê, Đắk Nông có diện tích cà phê đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên với 141.000ha, sản lượng ước đạt 361.000 tấn/năm.

Cà phê Đắk Nông ngày càng được canh tác theo các quy trình về nông nghiệp tốt được quốc tế công nhận, nhiều vùng miền có giống, điều kiện đất đai, khí hậu lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc biệt.

Tỉnh thành lập được 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) diện tích 120ha với nhiều đơn vị đến đầu tư nghiên cứu, xây dựng chuyển giao mô hình.

Tỉnh công nhận được 4 vùng NNƯDCNC với quy mô 2.423 ha với các loại cây chủ lực gồm hồ tiêu, cà phê, lúa; công nhận 2 doanh nghiệp NNCNC và tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận 3 vùng NNƯDCNC trong thời gian tới.

Toàn tỉnh hiện có 392 trang trại chăn nuôi, đã hình thành được khoảng 7 chuỗi liên kết tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

img_8606(1).jpg
Đắk Nông có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ngày càng được nhiều chủ thể quan tâm đầu tư. Đã có trên 70 sản phẩm của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao.

Khát vọng vươn ra biển lớn

Có thể nói với những con số ấn tượng như trên, ngành Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông đã và đang có những tiền đề lớn, khá vững chắc để vươn mình ra “biển lớn”.

Về nội dung này, đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “2023 là năm mà sản xuất nông nghiệp tốt đạt các chứng nhận tăng mạnh nhất, diện tích, cơ sở được cấp mã vùng trồng, đóng gói nhiều nhất trong vòng 20 năm nay. Kinh tế nông nghiệp bàn bản hơn sẽ là cú hích lớn cho “con thuyền” nông nghiệp Đắk Nông vượt qua những trở ngại, khó khăn tiến lên phía trước”.

Tổng diện tích sản xuất tiêu chuẩn trên toàn tỉnh đến cuối năm 2023 tăng 656,8ha so với năm 2022, lũy kế hiện có 29.286,56ha. Về vùng trồng xuất khẩu, trong năm đã được cấp 44 mã gồm 36 vùng trồng, 8 cơ sở đóng gói, lũy kế toàn tỉnh hiện có 47 mã số với 37 vùng trồng, 10 cơ sở đóng gói.

z4928708978918_c656d67cb2b9507139542b9745936d9a-1-1-(1).jpg
4 cơ sở đóng gói xuất khẩu 1.497 tấn sầu riêng

Trong niên vụ 2023, có 4 cơ sở đóng gói xuất khẩu 1.497 tấn sầu riêng. Trong đó có 1.197 tấn quả sang Trung Quốc và 300 tấn cơm sầu riêng sang thị trường Thái Lan.

Qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm nông sản của Đắk Nông được người tiêu dùng trong nước, quốc tế đánh giá cao như hồ tiêu, cà phê hữu cơ, mắc ca, sầu riêng….

Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp được ký kết đang là tiền đề vững chắc cho việc đưa nông sản Đắk Nông ra thị trường. Đây là cơ hội lớn để ngành Nông nghiệp Đắk Nông tiếp tục vươn lên, chứng minh vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Công ty TNHH TM XNK Nghiệp Xuân (Công ty Nghiệp Xuân), tại TP. Gia nghĩa là một trong những doanh nghiệp lớn xuất khẩu nông sản của Đắk Nông.

Năm 2023, Công ty Nghiệp Xuân đã xuất khẩu trên 800 tấn trái sầu riêng tươi, 800 tấn chanh dây cấp đông, 260 tấn xoài cấp đông. Thị trường chủ yếu của công ty là Trung Quốc.

Theo ông Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty Ngiệp Xuân, cơ hội cho xuất khẩu của đơn vị trong năm 2024 còn rất lớn cả về mở rộng thị trường cũng như sản lượng. Bởi hiện nay, nhu cầu của bạn hàng còn nhiều.

Nghiệp Xuân đã có vùng trồng sầu riêng 30,5 ha tại xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông được cấp mã. Công ty hiện đang làm hồ sơ để tiếp tục đề nghị cấp thêm một số mã vùng trồng tại địa phương.

Bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ An Phát, phường Nghĩa Trung (TP. Gia Nghĩa) cho biết: Năm 2023, sản lượng sản phẩm của công ty như mắc ca, sầu riêng sấy thăng hoa, thanh hạt dinh dưỡng xuất bán ra các thị trường đã tăng cao so với năm 2022.

z5042187758617_3762c0a4e1bc18f8b85b76be3f2faf28-2-.jpg
Công ty An Phát đang thúc đẩy những hoạt động để chinh phục một số thị trường mới như Hàn Quốc, Ấn Độ.

Năm 2024 đang được công ty kỳ vọng vượt năm 2023 với cả thị trường trong nước và và vươn ra xuất khẩu. An Phát đang thúc đẩy những hoạt động để chinh phục một số thị trường mới như Hàn Quốc, Ấn Độ.

Về kỳ vọng xuất khẩu, bà Trần Thị Thu, HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên nhấn mạnh: Hồ tiêu Đắk Nông đang có nhiều cơ hội để khẳng định thêm chỗ đứng trên thị trường.

Trong đó, có thể nói việc nhà nông, doanh nghiệp nhân rộng các diện tích sản xuất đạt các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế sẽ là động lực mạnh mẽ.

Cuối năm 2023 đầu năm 2024, sản phẩm hồ tiêu của hợp tác xã đã liên tiếp vượt qua các hàng rào kỹ thuật để vào được nhiều thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản...

Hồ tiêu Hoàng Nguyên chắc chắn sẽ tăng được sản lượng xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường lớn nhằm mang về nguồn ngoại tệ lớn cho xã viên, hộ dân liên kết.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, cơ hội cho nông sản Đắk Nông xuất khẩu ngày càng lớn. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hiện được mở rộng đến khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

z4831737074829_fed357c65e5719098747991f07d1c131(1).jpg
Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hiện được mở rộng đến khoảng 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các thị trường xuất khẩu ổn định thuộc các nước thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như: Singapore, Nhật Bản, Malaysia... Về thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực cũng phong phú.

Trong đó, cà phê xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Úc; hạt điều xuất sang Singapore, Indonesia, Úc, Đức, Trung Quốc; hạt tiêu đen xuất sang Singapore, Hàn Quốc...

Giai đoạn 2004-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 11.867 triệu USD, trong phần lớn là nông, lâm, thủy sản, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,61%/năm.

Việc phát triển, mở cửa thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị được chú trọng; chuyển đổi số, thương mại điện tử được quan tâm triển khai.

Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp địa phương đã linh hoạt thích ứng, coi trọng thị trường nội địa, giao dịch qua sàn thương mại điện tử nên góp phần làm cho nhiều nông sản của tỉnh “vừa được mùa vừa được giá”.

Với những tiền đề của mình, Đắk Nông phấn đấu giai đoạn 2021-2025 đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 6.208 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025 đạt 5.209 triệu USD.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nông nghiệp Đắk Nông và khát vọng vươn ra biển lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO