Kinh tế

Nông nghiệp Đắk Nông thay đổi từ chuyển đổi số

Hồng Thoan 10/01/2024 05:16

Tỉnh Đắk Nông tiếp tục thúc đẩy các giải pháp nhằm chuyển đổi số ngành Nông nghiệp hiệu quả, coi đây là động lực mới cho nông nghiệp phát triển.

ADQuảng cáo

Năm 2023, chị Nguyễn Thị Toàn, chủ cơ sở sản xuất nấm linh chi Gano Farm, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) được tham gia nhiều lớp tập huấn về chuyển đổi số. Chị được hướng dẫn các kỹ thuật nhằm mở rộng thị trường trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Chị Toàn cho biết: Nhờ sự hướng dẫn cụ thể, sát sao của các cán bộ kỹ thuật, chị đã đưa sản phẩm thành công lên các sàn thương mại như voso, OCOP và mạng xã hội facebook, zalo.

Chị Toàn cho biết thêm, khi đưa các sản phẩm lên môi trường số thì nấm linh chi được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Số lượng khách hàng tìm hiểu về tác dụng, giá trị của sản phẩm ngày càng tăng. Việc sản phẩm nấm linh chi của cơ sở đạt một số chứng nhận như OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã làm tăng thêm lòng tin của khách hàng về chất lượng sản phẩm.

dsc_0272.jpg
Nấm linh chi của Dano Farm được tiêu thụ tốt hơn nhờ các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội

Từ chỗ tham gia nhiều vào các nền tảng số, chị nhận thức được rằng, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm có ý nghĩa lớn trong việc gia tăng sản lượng tiêu thụ. Chính vì thế, chị tích cực tham gia các hoạt động này, sản phẩm nấm của chị bán ra thị trường thuận lợi hơn so với trước đây.

Được biết, mỗi lứa trồng nấm linh chi khoảng 4 tháng, chị thu gần 500kg tươi, tương đương trên 200kg khô. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước. Mức giá dao động khoảng 800.000 đồng/kg khô. Thu nhập hàng năm của cơ sở đạt trên 300 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Theo lãnh đạo sở NN-PTNT, nội dung phát triển xã hội số của ngành đã đạt những kết quả hết sức tích cực. Điển hình như hoạt động, hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu, quảng bá, bán trên các sàn thương mại điện tử.

img_8612-75d4c1a0afb655d3d72d81e88623855d(1).jpg
Khoảng 700 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Đắk Nông được đưa lên các sàn thương mại

Theo thống kê, đến nay, các ngành chức năng đã hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử khoảng 700 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cạnh tranh, sản phẩm OCOP. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin hơn 111 nghìn hộ, đạt hơn 92,8%. Số hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số là trên 135.700 hộ, đạt tỷ lệ trên 80,5%.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, chuyển đổi số của ngành đang còn nhiều việc phải làm. Hiện ngành còn gặp một số khó khăn trong phát triển hạ tầng số như về nâng cấp hạ tầng máy tính, thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối, thiết bị an toàn thông tin, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Nhiệm vụ về xây dựng dữ liệu toàn ngành, bao gồm đầy đủ các lĩnh vực, chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, kinh tế hợp tác, thủy lợi, phòng, chống thiên tai chưa hoàn thiện.

z4665169812057_ca3523def6f28ee9bbf465b863d5fcf0(1).jpg
Sở NN-PTNT tích cực phối hợp với đơn vị chuyên môn xây dựng dữ liệu số toàn ngành

Nhưng đến nay, có thể khẳng định, cán bộ, viên chức, người lao động toàn Ngành đã có sự chuyển đổi về nhận thức, hành động, đều hướng đến hiệu quả cao hơn trong thực tiễn. Cùng với đó, là sự cộng hưởng tư duy chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã, nông dân sẽ là những nhân tố tích cực cho ngành trong những năm tới.

Riêng năm 2024, Sở NN-PTNT sẽ đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm về triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ quản lý điều hành, cung cấp thông tin kịp thời; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường nông sản để cung cấp thông tin, giao dịch mua bán nông sản. Sở xây dựng hệ thống thực tế ảo 3D mô hình canh tác và hội chợ triển lãm nông sản nhằm thu hút đầu tư trên môi trường mạng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Đắk Nông thay đổi từ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO