Nông nghiệp Đắk Nông hướng tới Net – Zero
Nhiều nông dân Đắk Nông tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới Net – Zero.
Những người nông dân tử tế
Nhiều năm gắn bó với đất đai, cây trồng, ông Đặng Tấn Huynh ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) nhận thấy vùng đất xã Nhân Cơ thích hợp với cây hồ tiêu. Ông đã mở rộng diện tích canh tác lên hơn 10ha, đồng thời áp dụng phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên.
Từ kết quả sản xuất của gia đình, ông Huynh đã chia sẻ phương pháp canh tác này cho nhiều nông dân trong vùng. Để giúp người dân sản xuất hiệu quả hơn, năm 2016, ông cùng một số người thành lập Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận.
Đến nay, HTX có 17 thành viên và 60 hộ dân liên kết, với diện tích sản xuất trên 80ha. Sau 8 năm hoạt động, ông Huynh đã vận động người dân liên kết sản xuất, tạo vùng nguyên liệu lớn.
Ông Đặng Tấn Huynh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết: “Các xã viên đều tuân thủ các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường, và nghiêm ngặt tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn chứng nhận GlobalGAP”.
Ông Trần Văn Tiến ở thôn 4, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), sử dụng sản phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ bón cho vườn hồ tiêu.
Hay như vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao Thuận Hà (416ha) và Thuận Hạnh (1.133ha). Tại đây, người dân đã xây dựng hệ thống đai rừng phòng hộ cho cây trồng chính, áp dụng canh tác đa tầng đa tán, liên kết hợp tác trong sản xuất, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón.
Do đó, sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng, bảo đảm vệ sinh. Bởi vì trong mỗi công đoạn sản xuất, bà con đều quan tâm đến sức khỏe cộng đồng.
Nổi bật trong số đó là HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên. HTX không chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế mà còn chú trọng bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
“Việc phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên trường quốc tế”, bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX cho biết.
Net - Zero hay "Phát thải ròng bằng 0", là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái đất bằng 0. Việt Nam cam kết đạt mức giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thay đổi tư duy sản xuất
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT nông thôn tỉnh Đắk Nông, tỉnh còn có rất nhiều nông dân tử tế khác. Đó là những người đứng ra tập hợp bà con nông dân thành lập các tổ hợp tác, HTX để liên kết trong sản xuất, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Tiêu biểu như HTX Thương mại – Dịch vụ – Chế biến sản xuất nông nghiệp Đoàn Kết, HTX Nông sản hữu cơ Bechamp, HTX Nông nghiệp Công bằng Thanh Thái, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha, HTX Nông nghiệp – Dược liệu – Dịch vụ Thịnh Phát.
“Bà con nông dân đã thay đổi tích cực từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và có ý thức bảo vệ môi trường. Đó chính là những nông dân tử tế hiện nay,” ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, sản xuất nông nghiệp đóng góp 18% lượng phát thải khí nhà kính. Hiệu ứng nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, đe dọa sự sống trên Trái đất.
Do đó, nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp Net-Zero thực chất là thay đổi thói quen canh tác. Qua đó, giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón và nước tưới, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí đầu vào mà còn cải thiện hiệu suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.