Nông nghiệp Đắk Nông - Đất lành cho khởi nghiệp
Nhiều startup đã chọn nông nghiệp ở Đắk Nông để khởi nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Họ đã thành công và góp phần nâng tầm cho nông nghiệp Đắk Nông.
Thành công với nông nghiệp
Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ, anh Trần Văn Phú, thôn 8 xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp đã phụ giúp cha mẹ chăm sóc, thu hoạch cà phê. Anh Phú thấu hiểu sự vất vả, thiệt thòi của người nông dân khi phải tiêu thụ nông sản qua các khâu trung gian, giá trị sản phẩm cà phê và hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2013, anh Phú bắt đầu tìm hướng đi cho sản phẩm cà phê của gia đình mình. Anh Phú tâm sự, trong quá trình tìm hiểu về cà phê tôi bắt gặp những cách chế biến cà phê đắt nhất thế giới nhưng không khó nên đã bắt chước làm theo.
"Thấy người ta thu hái chín, tôi cũng thu hái chín, người ta phơi trên bạt, trên giàn lưới tôi cũng bắt chước. Sau đó, tôi đi học thêm về rang xay, thử nếm và thực hiện rất nhiều quy trình để tạo ra cách làm hiệu quả phù hợp không chỉ cho mình mà cho người dân trồng cà phê", anh Phú cho hay.
Từ chỗ mò mẫm đi 1 mình và trực tiếp mang sản phẩm đi chào bán, sau bao nhiêu cái lắc đầu thì may mắn cũng tìm đến anh. Từ mẫu chào hàng nhiều đơn hàng đã tìm đến anh để đặt vấn đề kết nối.
Năm 2017, anh Phú đã ký hợp đồng tiêu thụ 20 tấn cà phê nhân với giá cao hơn thị trường từ 10 đến 15 ngàn đồng/kg. Hợp đồng tăng về số lượng hàng, một mình gia đình anh không đáp ứng được nên anh Phú đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn để có đủ nguyên liệu bán ra thị trường.
Anh Phú cho biết: "Lúc mới triển khai mở rộng vùng nguyên liệu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết nông dân trong vùng đều sản xuất cà phê theo cách truyền thống nên cần nhiều thời gian để thay đổi. Để thuyết phục người dân thu hái chín 100%, tôi đã thu mua cà phê tươi với giá cả cao hơn giá thị trường và mọi công đoạn đều được tính công, trả tiền".
Từ những bước đi ban đầu đến nay, anh Phú đã thành lập HTX Nông nghiệp Thương mại Công Bằng Đắk Ka, sản xuất cà phê chất lượng cao với vùng nguyên liệu hơn 100 ha, với hơn 40 hộ tham gia liên kết.
Mỗi năm HTX cho ra thị trường hơn 200 tấn cà phê chất lượng cao mang lại nhiều giá trị về kinh tế và góp phần nâng cao chất lượng hạt cà phê trên thị trường.
Tương tự, anh Phan Gia Long (SN 1986), thôn Kẻ Đọng, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil xuất thân trong gia đình nông dân. Sau gần 10 năm rong ruổi với rất nhiều nghề, năm 2018, anh quyết định về xã Đức Minh đầu tư máy móc chế biến các sản phẩm nông nghiệp có tại địa phương.
Sau thời gian nghiên cứu, anh đã đưa ra thị trường được 15 loại sản phẩm, với 3 nhóm chính gồm: tinh bột, tinh dầu, thực phẩm sấy khô…
Trong đó, trà dứa, trà tía tô, tinh dầu bơ, bột chuối xanh, bột trà xanh, bột rau má… là những sản phẩm chủ lực. Các sản phẩm sau khi chiết xuất, chế biến đã được anh gửi mẫu đi kiểm tra chất lượng và đã được đánh giá đủ điều kiện an toàn để bán ra thị trường.
Ngoài bán hàng qua các hệ thống bán hàng điện tử toàn quốc của Sendo, Lazada, Shopee, Tiki..., anh Long còn cung cấp nguyên liệu cho các spa để phục vụ làm đẹp và các hiệu thuốc đông y…
Ngoài máy móc chất lượng, anh Long còn liên kết, thu mua nông sản của các hộ dân trong vùng và tạo được vùng nguyên liệu chuối 10 ha, bơ 5 ha… Tất cả nguyên liệu đều được bà con sản xuất theo hướng hữu cơ.
Anh Long cho biết, để tạo ra các sản phẩm từ các loại lá cây gần gũi như lá rau má, lá tía tô, lá chè..., tôi phải tìm hiểu các dược tính của cây. Trên mỗi sản phẩm, tôi đều chỉ ra các công dụng cho sức khỏe để người tiêu dùng lựa chọn.
Đây là 2 trong số hàng trăm thanh niên vẫn đang miệt mài tạo ra các giá trị về kinh tế cho các nông sản Đắk Nông. Đồng thời, họ cũng tạo ra những cách làm hay, hiệu quả và bền vững cho nông nghiệp Đắk Nông.
Tiềm năng hấp dẫn
Đắk Nông có đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp đa dạng và bền vững.
Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá, Đắk Nông có đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm trồng cây gì cũng được.
Có thể nói, nước ta có cây trồng gì thì Đắk Nông trồng được cây đó. Các loại cây khi trồng ở Đắk Nông đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nông nghiệp Đắk Nông có tiềm năng, lợi thế rất lớn.
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đang đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế nội tỉnh và là nền tảng cho công nghiệp, dịch vụ phát triển. Những yếu tố trên cùng với sự sáng tạo, nỗ lực cá nhân của các startup đã và đang giúp nông nghiệp trở thành lĩnh vực hấp dẫn tại Đắk Nông trong thời gian qua.
Đắk Nông hiện có gần 320.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất ở Đắk Nông đạt 103 triệu đồng.
Nhiều startup đã chọn Đắk Nông để khởi nghiệp bằng sản xuất nông nghiệp. Các startup đã đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ và các phương tiện hiện đại để đổi mới trong quy trình sản xuất, tối ưu hóa năng suất.
Cùng với đó, để phát triển bền vững, các startup đã kết nối tiêu thụ, sản xuất các loại nông sản đặc sản hoặc theo các tiêu chuẩn chất lượng cao từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và khách hàng.
Hiện nay, nhiều startup đang tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại như: sản xuất, chế biến sử dụng công nghệ, quản lý nuôi trồng thông minh, áp dụng các phương pháp bảo vệ môi trường.
Việc sản xuất theo hướng công nghệ cao đang giúp các startup cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu suất sản xuất, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi những startup phải có tính kiên nhẫn, kiến thức sâu rộng và khả năng quản lý hiệu quả.
Thực hiện Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030", Tỉnh đoàn Đắk Nông đã bố trí gần 6 tỷ đồng cho 65 mô hình vay vốn để triển khai mô hình khởi nghiệp. Các dự án sau khi được đầu tư vốn đã bước đầu có sự phát triển, nhiều dự án mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.