Nông nghiệp Đắk Nông đang cần các doanh nghiệp làm “sếu đầu đàn”

Lê Phước| 10/03/2022 08:48

Ngành nông nghiệp Đắk Nông có tiềm năng, lợi thế rất lớn, nhưng cần có những doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đến để kích hoạt phát triển.

ADQuảng cáo

Đắk Nông có trên 380.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 58,5% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đắk Nông cũng có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, có lợi thế về xây dựng các chuỗi cung ứng hàng hóa với các tỉnh, vùng kinh tế phía Nam.

Đắk Nông có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp: Ảnh: Vườn quýt sai quả của người dân xã Đức Xuyên (Krông Nô)

Những năm qua, nông nghiệp cũng là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, xuyên suốt của tỉnh.

Giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản năm 2021 của Đắk Nông tăng 2.681,4 tỷ so với năm 2018. Đến nay, tỉnh đã định hình phát triển 23 sản phẩm chủ lực. Tỉnh đã công nhận 52 sản phẩm OCOP; 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.432 ha.

Toàn tỉnh có hơn 25.000 ha cây trồng được tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao. Đắk Nông đã xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể; 1 chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm hồ tiêu của tỉnh.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng theo Giám đốc Sở NN - PTNT Phạm Tuấn Anh, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ. Chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất chưa cao. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được triển khai, nhưng chưa được nhân rộng trong sản xuất.

Đắk Nông có 64 chuỗi liên kết giá trị thuộc 8 ngành hàng nông sản, với trên 9.500 hộ dân tham gia. Tuy nhiên, quy mô liên kết theo còn mang tính nhỏ lẻ, không thường xuyên. Tỷ lệ nông sản sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị vẫn còn thấp.

Thời gian qua, Đắk Nông đã đầu tư hạ tầng cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh khuyến khích, thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư tại đây.

Thế nhưng, so với tiềm năng thực sự, số lượng nhà đầu tư vẫn còn quá ít, hoạt động không ổn định. Việc thu hút các nhà đầu tư mới trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm, chưa hiệu quả.

ADQuảng cáo

Nhiều người dân Đắk Song tự đầu tư nhà lồng để bảo quản hồ tiêu sau thu hoạch

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến, nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của tỉnh.

Ngành Nông nghiệp còn bộc lộ nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế trong phát triển, liên kết, thu hút đầu tư. Riêng về quy hoạch vùng nguyên liệu, tỉnh đang gặp phải nhiều vấn đề trở ngại. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đang ở dạng thử nghiệm chứ chưa thực sự ổn định, bền vững.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đắk Nông hội tụ những tiềm năng, lợi thế và còn dư địa rất lớn để phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, nông nghiệp đang phát triển theo hướng truyền thống, lạc hậu. Đắk Nông chưa xây dựng được các “cứ điểm” về nông nghiệp giống như các tỉnh, thành phố khác.

Người dân Đắk Nông vẫn đang loay hoay thử nghiệm nhiều loại cây trồng

Để khai thác tốt nhất thế mạnh tự nhiên, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, Đắk Nông phải thay đổi phương thức tổ chức sản xuất truyền thống, đi thẳng vào công nghệ.

Tỉnh phải thể hiện cầu thị, mời gọi các doanh nghiệp "đầu đàn" trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra sức lan tỏa. Tỉnh cần phải có những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh để hỗ trợ người nông dân về giống, về quy trình sản xuất, đầu ra sản phẩm, các nhà máy chế biến sâu.

“Đắk Nông cần dự trữ tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển dài hạn. Chúng ta phải chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để sẵn sàng đón những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”. Khi hình thành được các “cứ điểm” nông nghiệp, chắc chắn chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách với các tỉnh đi trước”, Tiến sĩ Trần Du Lịch chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Đắk Nông đang cần các doanh nghiệp làm “sếu đầu đàn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO