Kinh tế

Nông nghiệp Cư Jút dịch chuyển theo hướng bền vững

Kim Ngân 26/10/2023 05:21

Nhờ xác định đúng định hướng, sản xuất nông nghiệp của huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, người dân đã tập trung sản xuất theo hướng chất lượng cao, bền vững

Trên cơ sở các nghị quyết, đề án phát triển nông nghiệp, UBND huyện ủy Cư Jút đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Các chương trình đều hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với thị trường tiêu thụ.

HTX Nông nghiệp Tiến Thành, xã Cư K'nia (Cư Jút) là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng cà phê. Những năm qua, HTX sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, kết hợp đầu tư máy móc chế biến cà phê bột. Hiện HTX có hơn 100 ha cà phê, mỗi năm thu hoạch hơ 300 tấn. Ông Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết: “Mục tiêu của HTX là cùng với người dân xây dựng vùng trồng cà phê bảo đảm chất lượng, tạo ra sản phẩm sạch. HTX cũng nỗ lực duy trì tiêu chuẩn OCOP và hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê đặc trưng của xã Cư K’nia”.

dsc_7378(1).jpg
Một công đoạn chế biến cà phê bột tại HTX Nông nghiệp Tiến Thành, xã Cư K'nia, huyện Cư Jút (Đắk Nông)

Hiện nay, sản phẩm cà phê bột của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 3 tấn cà phê bột bán ra thị trường. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX luôn tuyển chọn, thu hái cà phê có tỷ lệ quả chín cao. Các công đoạn như rang, xay, đóng gói cũng được HTX áp dụng theo quy trình nghiêm ngặt.

Còn đối với HTX Bình Minh, xã Ea Pô (Cư Jút), việc tận dụng tối đa lợi thế của địa phương để triển khai hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất được đơn vị chú trọng. Theo ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh, hiện nay, thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm nông sản rất cao. Vì thế, HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, với số lượng lớn để cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thời gian qua, HTX Bình Minh đã quy tụ các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ để hình thành vùng sản xuất hồ tiêu có quy mô lớn. Từ đó, HTX hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, giúp sản xuất hồ tiêu bền vững. Đến nay, chỉ riêng ngành hàng hồ tiêu, HTX Bình Minh đã liên kết với các HTX, nhóm hộ tại các huyện Đắk Song, Krông Nô, Đắk Mil, với diện tích khoảng 200 ha. HTX còn liên kết với Công ty TNHH Chế biến gia vị Ned Spice Việt Nam để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Ông ông Đỗ Duy Nam, Phó Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút đánh giá: “HTX Bình Minh là một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Quy mô hoạt động của HTX mở rộng nhiều địa bàn trong và ngoài huyện, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân”.

dsc_9013-1-.jpg
Nông dân Cư Jút theo dõi nấm bệnh trên cây hồ tiêu

Cũng theo ông Nam, sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngành Nông nghiệp Cư Jút đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, các nông hộ, doanh nghiệp đã chú trong hơn việc tăng hàm lượng khoa học, công nghệ vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm.

Địa phương cũng chú trọng kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị cao.

dsc_0507(1).jpg
Bên cạnh cây cà phê, hồ tiêu thì cây ăn trái cũng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Cư Jút

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện Cư Jút đạt 6,8 %. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế của huyện có bước chuyển dịch đáng kể, giảm từ 27% năm 2018 xuống còn 23,53% năm 2022.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nông nghiệp Cư Jút dịch chuyển theo hướng bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO