Kinh tế

Nông nghiệp công nghệ cao – hướng đi bền vững cho Đắk Nông

Thanh Nga 13/05/2025 07:44

Đắk Nông đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển bền vững.

Chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động

Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh trên 86.000ha, cây lâu năm khoảng 235.000ha.

1-2-.jpg
Cơ giới hóa thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn canh tác theo hướng hữu cơ tại xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô

Những năm gần đây, nông nghiệp Đắk Nông đã ghi nhận sự chuyển biến rõ nét về tư duy phát triển – từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Thay vì chạy theo số lượng, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đã chú trọng đến chất lượng, giá trị gia tăng và truy xuất nguồn gốc, từng bước hòa mình vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho thấy toàn tỉnh hiện có hơn 100.000ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng một phần công nghệ cao, với tổng sản lượng nông sản hơn 420.000 tấn mỗi năm.

Đặc biệt, diện tích đạt chứng nhận chất lượng như VietGAP, GlobalGAP đã lên đến 35.174ha – con số phản ánh nỗ lực đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc phát triển nông nghiệp hiện đại.

2-2-.jpg
Nhiều nông dân xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô tham gia vào HTX và đang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông khẳng định: “Đắk Nông xác định phát triển NNƯDCNC không chỉ là xu thế mà là nhiệm vụ bắt buộc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế sâu rộng. Tỉnh đã và đang hỗ trợ mô hình sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao”.

Đơn cử, mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê, xoài đã giúp tiết kiệm 30% lượng nước, giảm 20–30% lượng phân bón và cắt giảm tới 70% công lao động. Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đã mở rộng lên hơn 500ha mỗi vụ, nâng cao chất lượng gạo và đầu ra ổn định.

61(1).jpg
Niềm vui của nông dân khi thu hoạch dưa lưới trồng trong nhà kính đạt năng suất cao

Ông Bùi Đình Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết: “HTX hiện canh tác 440ha lúa VietGAP, trong đó có 200ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Chúng tôi đang tập trung vào các giống lúa đặc sản như ST24, ST25 được đánh giá là những giống gạo ngon hàng đầu thế giới. Gần đây, HTX cũng đang khảo nghiệm giống lúa Ngọc Nương có năng suất cao, cơm dẻo thơm, thích hợp với thị hiếu thị trường”.

Ở lĩnh vực rau quả, ông Nguyễn Thế Độ, chủ trang trại tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil là một trong những người tiên phong ứng dụng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và kiểm soát nhiệt độ nhà kính. Với diện tích 13ha, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 100 tấn dưa lưới, dưa leo, nho… cung cấp cho siêu thị và các chuỗi cung ứng lớn, đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm.

5-2-.jpg
Nông dân Đắk Nông ứng dụng công nghệ hiện đại trồng dưa lưới nâng cao giá trị sản phẩm

Tương tự, trang trại Gia Ân của ông Trần Quang Đông tại TP. Gia Nghĩa trồng 20ha măng cụt, sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, cho doanh thu hơn 5 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại Gia Trung với 17ha sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP cũng là minh chứng cho hiệu quả từ sản xuất bài bản. Các trang trại đã xây dựng thương hiệu rõ ràng như “Măng cụt Gia Ân”, “Sầu riêng Gia Trung”.

Một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển NNƯDCNC, nghiên cứu giống cây trồng, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Công ty Vinasoy tại Đắk Nông đang tập trung vào giống đậu nành CJ thuần chủng. Công ty Cổ phần sản xuất giống ngô lai F1 tại Krông Nô cũng đang phát triển vùng giống phục vụ sản xuất quy mô lớn.

4-1-.jpg
Nông nghiệp Đắk Nông đang phát triển theo hướng NNƯDCNC

Ông Ngô Xuân Đông nhấn mạnh, điểm mấu chốt trong đầu tư NNƯDCNC là phải có vùng nguyên liệu rõ ràng, liên kết với nông dân và xác định đầu ra ngay từ đầu. Tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, góp phần xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Vùng sản xuất tập trung tạo tiền đề cho sản xuất quy mô lớn, chuyên nghiệp

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã khảo sát và quy hoạch 16 vùng sản xuất tập trung, từng bước tạo tiền đề cho sản xuất quy mô lớn, chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, quá trình này vẫn còn nhiều rào cản do sản xuất manh mún, thiếu liên kết, vật tư đầu vào tăng giá, hạ tầng logistics yếu, thiếu trung tâm chế biến sâu và khó tiếp cận vốn tín dụng…

7-1-.jpg
Nông dân huyện Krông Nô đang hình thành vùng sản xuất ngô chất lượng cao

Trước thực tế đó, Đắk Nông đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án tập trung vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh kinh tế hợp tác và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất.

Phát biểu tại một sự kiện, ông Nguyễn Thế Nghĩa, cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông chia sẻ, sở xác định những công nghệ có tiềm năng lớn khả năng ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đó là, công nghệ vi nhân giống cây trồng sạch bệnh, kỹ thuật canh tác không sử dụng đất (thủy canh, khí canh), nhà màng điều khiển tự động, công nghệ enzyme, vi sinh vật cải thiện đất và mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

5-3-.jpg
Nông dân xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô thu hoạch lúa

Tỉnh hướng đến phát triển mạnh các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng để NNƯDCNC của Đắk Nông phát triển thực chất và bền vững, sản xuất phải bài bản từ khâu chọn đất, giống, đến phân bón và xử lý phế phụ phẩm. Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh: “Nông dân cần quan tâm đến “sức khỏe” của đất. Việc xét nghiệm mẫu đất, nước trước khi canh tác là cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, Việt Nam đang bỏ lỡ cơ hội lớn khi chưa tận dụng hiệu quả 156 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm để sản xuất phân bón hữu cơ”.

13(1).jpg
Nông dân Đắk Nông đã chú trọng tận dụng phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân hữu cơ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững

“Một công nghệ đáng chú ý hiện nay là công nghệ lên men siêu tốc có thể chuyển đổi phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ trong vòng 6 giờ. Đây là công nghệ tiên tiến của thế giới. Công nghệ này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng độ màu mỡ cho đất. Nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp tại Đắk Nông có thể nghiên cứu đầu tư, áp dụng”, ông Mười chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Quyền, chuyên gia nông nghiệp hữu cơ lưu ý: “Làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi phải có tính cộng đồng. Phải kiểm tra đất, nước kỹ lưỡng, chọn giống phù hợp, có quy trình chuẩn và sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học”.

img_5144(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Quyền (đứng phát biểu), chuyên gia nông nghiệp hữu cơ có 25 năm nghiên cứu về lĩnh vực này cho rằng, tốt nhất trước khi trồng cây thì nông dân cần xét nghiệm chất đất và nước để đánh giá phù hợp hay không mới quyết định đầu tư

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông cho rằng: “Nông nghiệp bền vững không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn là bảo vệ môi trường vững, giữ gìn tài nguyên và không làm mất đi quyền lợi của thế hệ tương lai”.

Đắk Nông đang ở ngưỡng cửa của sự chuyển mình mạnh mẽ. Việc phát triển NNƯDCNC không chỉ là chiến lược phát triển kinh tế mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn, gắn phát triển với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân.

Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cùng những chính sách kịp thời và định hướng công nghệ rõ ràng, tin rằng Đắk Nông sẽ sớm trở thành một trong những vùng trọng điểm về nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Đắk Nông đã công nhận 7 vùng sản xuất NNƯDCNC với diện tích hơn 3.556ha. Khu NNƯDCNC quy mô 120ha được thành lập từ năm 2013 là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của tỉnh.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Nông nghiệp công nghệ cao – hướng đi bền vững cho Đắk Nông
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO