---- Kinh tế

Nông nghiệp - "Bàn đạp" khởi nghiệp ở Đắk Nông

Hưng Nguyên 25/03/2024 10:51

20 năm qua, nhiều người dân đã tận dụng tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp ở Đắk Nông để khởi nghiệp và đạt nhiều thành công như mong đợi.

ADQuảng cáo

Quả ngọt từ nông nghiệp

Năm 1995, ông Vũ Văn Nghĩa đưa gia đình rời quê hương Nam Định vào thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô (Đắk Nông) lập nghiệp. Gia đình ông Nghĩa dần tạo được nguồn thu nhập từ trồng điều xen với cây ngắn ngày. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh khiến nguồn thu nhập của ông thiếu ổn định.

Năm 2007, ông Nghĩa bắt tay trồng ca cao dưới tán điều. Từ bước đầu trồng thử nghiệm, ông đánh giá ca cao là cây trồng tiềm năng và có thể cho giá trị kinh tế cao.

6(1).jpg
Vườn ca cao trĩu quả của ông Vũ Văn Nghĩa, thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô (Đắk Nông)

Ông Nghĩa cho biết, ban đầu trồng cây ca cao ông gặp rất nhiều khó khăn. Ông vừa làm vừa học hỏi, vợ phản đối và cho rằng cần phải trồng điều, trồng cà phê như bao gia đình khác tại địa phương chứ không phải trồng ca cao

Vụ đầu tiên, sản lượng ca cao ông thu hoạch có giá bán cao, giúp gia đình ông có nguồn thu đáng kể. Sau 2 năm, ông đã thuyết phục được vợ để tiếp tục đầu tư chăm sóc ca cao. Mỗi ha ca cao thu hoạch được khoảng 1,6 tấn. Cùng với các loại cây trồng xen khác, ông có nguồn thu nhập cao, ổn định.

Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng ca cao, ông Nghĩa đã dần nhân rộng trên 10ha đất của gia đình. Bên cạnh đó, ông còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống cho người dân trên địa bàn tham gia trồng, tạo thu nhập từ ca cao.

4(1).jpg
Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp Krông Nô được sản xuất, chế biến theo quy trình chất lượng cao

Sau khi hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, ông Nghĩa cùng những người trồng ca cao trên địa bàn thành lập HTX Nông nghiệp Krông Nô. HTX liên kết với các hộ dân trồng ca cao riêng lẻ cùng nhau hoạt động theo tiêu chuẩn chung, nâng cao giá trị và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

HTX hiện có 99 thành viên, với vùng nguyên liệu 120ha sản xuất theo quy trình chất lượng cao và được cấp chứng nhận Fairtrade. Để có thể tìm được thị trường trong nước và quốc tế, HTX đã đưa sản phẩm ca cao đi phân tích thành phần và kết quả đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện để tham gia vào thị trường thế giới. HTX tham gia vào tổ chức Thương mại công bằng – Fairtrade, một trong những tổ chức thương mại có uy tín trong và ngoài nước.

Ngoài hình thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, HTX đầu tư máy, nhà xưởng chế biến ra 5 sản phẩm từ nguyên liệu ca cao, trong đó bột ca cao và chocolate Duy Nghĩa đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm qua chế biến giúp tăng giá trị khoảng 40% so với sản phẩm thô. HTX đã xây dựng nhãn mác, bao bì và thương hiệu cho sản phẩm.

htx-1-2(1).jpg
HTX Nông nghiệp Krông Nô đầu tư chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm ca cao

HTX thường xuyên được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành trong cả nước. Sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

pndtts-7-.png

Tương tự, năm 2012, anh Lưu Như Bính, trú tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song (Đắk Nông) mua đất trồng cà phê tại khu vực Rừng Lạnh. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ. Nhờ đó, vườn cà phê của gia đình anh phát triển tốt.

Với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, cùng ý chí cầu tiến đã thôi thúc anh tìm kiếm các quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng cà phê. Anh bắt đầu liên kết với các hộ dân trên địa bàn để sản xuất cà phê bền vững.

Năm 2014, anh đứng ra thành lập HTX Thương mại, dịch vụ, chế biến, sản xuất nông nghiệp Đoàn Kết. Ngay sau khi thành lập, HTX đã xây dựng, phổ biến quy trình sản xuất cà phê theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế bón phân hóa học.

dsc02035(1).jpg
HTX Thương mại, dịch vụ, chế biến, sản xuất nông nghiệp Đoàn Kết chú trọng khâu thu hoạch, đưa vào áp dụng quy trình thu hái quả cà phê chín 100%
ADQuảng cáo

Vùng nguyên liệu cà phê sạch dần hình thành. HTX chú trọng khâu thu hoạch, đưa vào áp dụng quy trình thu hái quả cà phê chín 100%. HTX sử dụng phương pháp chế biến cà phê ướt để bảo đảm chất lượng tốt nhất. Trong cách chế biến này, hạt cà phê phải trải qua quá trình lên men bằng enzym, giúp sản phẩm cà phê giữ được hương vị đặc trưng, tự nhiên.

Ngoài ra, cà phê phải được phơi trong nhà kính, trên sàn lưới, không phơi trực tiếp trên nền đất hay ngoài trời. Cà phê sau khi chế biến được HTX gửi mẫu đến các cơ quan chuyên môn để đánh giá, kiểm tra, công bố chất lượng.

cfrunglanh-1-(1).jpg
Sản phẩm cà phê Rừng Lạnh của HTX Thương mại, dịch vụ, chế biến, sản xuất nông nghiệp Đoàn Kết

Để phát triển các sản phẩm cà phê bột chất lượng cao, HTX đã đầu tư hệ thống máy chế biến ướt, máy rang xay hiện đại. HTX hiện có 65 thành viên, vùng nguyên liệu cà phê hơn 500ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn/năm.

Mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 10 tấn cà phê bột, chế biến khoảng 70 tấn/năm cà phê nhân chất lượng cao. Cà phê bột của HTX đạt tiêu chuẩn 3 sao sản phẩm OCOP.

pndtts-5-.png

Đắk Nông có 95 sản phẩm của 79 chủ thể được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 – 5 sao. Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện ân tượng về hành trình khởi nghiệp hiệu quả của các chủ thể

Tiềm năng cho khởi nghiệp còn rộng lớn

Đắk Nông hiện có gần 320.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Vùng đất Đắk Nông được đánh giá màu mỡ, khí hậu thuận lợi, điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp đa dạng và bền vững.

Với gần 320.000ha đất sản xuất nông nghiệp, Đắk Nông có nhiều tiềm năng cho khởi nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII xác định: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực”.

Nông nghiệp là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh.

Đắk Nông có trên 85.000ha ứng dụng một phần công nghệ cao, với sản lượng trên 400.000 tấn/năm. Diện tích sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm 28.629ha. Đắk Nông công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 2.423ha

Đắk Nông hiện có 84 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến nông sản. Tỉnh có trên 189 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sơ chế, chế biến quy mô nhỏ.

dsc01448(1).jpg
Tỉnh Đắk Nông có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đánh giá, phong trào khởi nghiệp nông nghiệp những năm qua tại Đắk Nông phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Nông nghiệp đã tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn được chứng nhận các quy trình sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng được giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Các địa phương đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu cây trồng.

dsc02733(1).jpg
Các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông đạt chứng nhận OCOP 3 sao ngày càng nhiều

Những yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu cùng với sự sáng tạo, nỗ lực của nông dân đã và đang giúp nông nghiệp trở thành lĩnh vực hấp dẫn tại Đắk Nông trong thời gian qua.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp - "Bàn đạp" khởi nghiệp ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO