Kinh tế

Nông dân vùng biên Đắk Nông thu hàng trăm triệu đồng từ hoa lay ơn

Hưng Nguyên 23/01/2024 7:30

Nhiều nông dân ở Quảng Tâm, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đang liên kết sản xuất, tiêu thụ hoa lay ơn, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả

ADQuảng cáo

Vườn hoa giống lay ơn của gia đình ông Lê Sâm, thôn 2, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, đã xuống giống được gần 2 tháng. Hiện nay, cây hoa đã cao khoảng 50cm, đang phát triển mạnh.

Theo điều kiện liên kết, trong quá trình sản xuất, ông Lâm được hỗ trợ nguồn giống và 50% chi phí giống, có kỹ thuật viên đến tận vườn hướng dẫn quy trình chăm sóc, theo dõi vườn hoa và hỗ trợ cách xử lý các tình huống sâu bệnh.

dji_fly_20240117_145228_683_1705477963718_photo_optimized(1).jpg
Vườn hoa lay ơn của ông Lê Sâm, ở thôn 2, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức

Ông Sâm cho biết, hoa lay ơn phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tuy Đức. Sản xuất hoa có sự liên kết, được hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra giúp ông yên tâm.

Năm 2023, HTX Phú Nông, huyện Tuy Đức, đã liên kết với một công ty cung cấp giống hoa ở Đà Lạt để sản xuất hoa lay ơn với hơn 10ha. Hiện nay, 4 thành viên của HTX đã xuống giống được 3ha. Từ nay đến cuối năm, HTX sẽ xuống giống sản xuất diện tích còn lại theo liên kết.

Ngoài liên kết thu mua, chốt giá bảo đảm mang lại lợi nhuận cho người dân, công ty liên kết đã cử nhân viên kỹ thuật cùng ăn, cùng ở, cùng làm, "cầm tay chỉ việc" cho người dân.

ADQuảng cáo

Bà Bùi Thị Hiền, nhân viên kỹ thuật của công ty liên kết cho biết, khí hậu ở Tuy Đức khá tương đồng với Đà Lạt. Cây hoa phát triển tốt. Hiện nay, 3ha hoa đã xuống giống được khoảng 45 ngày và đang rất khỏe mạnh. Các vườn hoa dự kiến khoảng 4 - 5 tháng sẽ cho thu hoạch, trung bình từ 1,5 - 2 tấn hoa/sào.

Ông Ngô Quang Trung, Giám đốc HTX Phú Nông cho biết, trước đây ông đã liên kết trồng hoa lay ơn theo hình thức cá nhân với công ty. Thấy hiệu quả và có lợi cho người sản xuất, nên ông đã vận động các thành viên trong HTX tham gia.

"HTX đã liên kết sản xuất với công ty sản xuất giống tại Đà Lạt. Công ty hỗ trợ 50% giá giống và sẽ thu hồi vốn khi thu mua sản phẩm. Công ty cử kỹ thuật viên cùng ăn, ở và sản xuất với người dân. Các trường hợp hoa xảy ra dịch bệnh, kỹ thuật viên sẽ là người trực tiếp xử lý", ông Trung cho hay.

Theo kinh nghiệm trồng hoa ơn của nhiều người dân ở Quảng Tâm, với hình thức liên kết này, trừ chi phí, người trồng hoa có lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng/ha, chỉ trong vòng 4 - 5 tháng.

Ông Nguyễn Hữu Tao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tâm đánh giá, mô hình liên kết của HTX Phú Nông đang có rất nhiều triển vọng. Đây là mô hình và cách làm khá mới. Tham gia liên kết này nông dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật, thu mua sản phẩm theo giá đã chốt.

Nếu duy trì được cách làm này, HTX sẽ hỗ trợ người dân địa phương tạo ra được nguồn thu nhập hiệu quả, bền vững từ loại cây trồng mới và cách liên kết này.

Địa phương cũng đang rất kỳ vọng mô hình kinh tế này sẽ được nhân rộng trên địa bàn. Từ đó, giúp người dân có thêm lựa chọn trong sản xuất, tạo thu nhập.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân vùng biên Đắk Nông thu hàng trăm triệu đồng từ hoa lay ơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO