Ông Đào Thanh Tùng, ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) chia sẻ: “Là nông dân, hiện nay chúng tôi chưa am hiểu nhiều về mã vùng trồng, không biết thủ tục đăng ký ở đâu, do cơ quan nào cấp ?. Vì vậy, chúng tôi rất cần được hỗ trợ để xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây trồng”.
HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc trồng, chế biến các sản phẩm từ gấc trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, đến nay HTX vẫn chưa có mã vùng trồng cho cây gấc.
Ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang liên kết với nông dân trồng hơn 200 ha gấc trong và ngoài tỉnh. Những năm qua, HTX đã chế biến sản phẩm gấc rất đa dạng và được thị trường đón nhận.
HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) rất mong cây gấc sớm được cấp mã vùng trồng |
Để HTX phát triển hơn, việc xúc tiến xuất khẩu sản phẩm là rất quan trọng. Thế nhưng, HTX lại đang gặp khó khăn khi chưa có mã vùng trồng.
"Chúng tôi mong muốn được các sở, ngành, địa phương sớm hỗ trợ các thủ tục cấp mã vùng trồng để các sản phẩm gấc xuất khẩu thuận lợi", ông Định bày tỏ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số lượng mã vùng trồng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, vấn đề cấp mã số vùng trồng rất “nóng” bởi tính cấp thiết.
Có 2 nội dung về cấp mã số vùng trồng. Đó là cấp mã số vùng trồng nội địa và mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Trong đó, mã số vùng trồng nội địa do sở NN - PTNT các tỉnh cấp.
Còn mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu do Chi cục Phát triển nông thôn (trực thuộc sở NN - PTNT các tỉnh) thực hiện kiểm tra, đánh giá và gửi về Cục Bảo vệ thực vật. Sau đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thương thảo với nước nhập khẩu và nếu thành công thì cấp mã vùng trồng.
Nông dân cần được các cấp, các ngành thông tin và hỗ trợ cấp mã số vùng trồng |
Để việc cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu được nhanh chóng, bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí, trước tiên các cá nhân, tập thể phải thực hiện tốt việc cấp mã số vùng trồng nội địa.
Mã số vùng trồng nội địa bắt đầu triển khai vào năm 2023. Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành quy trình thiết lập, tiêu chí mã vùng trồng nội địa. Người dân cần bảo đảm các tiêu chí này để được cấp mã vùng trồng.
Cũng theo bà Tình, khi các cơ quan chức năng đánh giá đủ các điều kiện quy định, ngành chức năng sẽ cấp mã số vùng trồng lần đầu. Hàng năm, trước mỗi vụ thu hoạch, các cá nhân, tập thể được cấp mã vùng trồng xuất khẩu phải khai báo thông tin đến nước nhập khẩu.
Nước nhập khẩu cũng sẽ kiểm tra, đối chiếu lại thông tin thông qua trực tuyến hoặc trực tiếp và có sự phối hợp của Cục Bảo vệ thực vật. Đối với mã số vùng trồng nội địa, hàng năm Sở NN-PTNT sẽ theo dõi, đánh giá và hướng dẫn giữ vững, duy trì, bảo đảm các quy định, các tiêu chí đặt ra.
Nông nghiệp là "trụ đỡ" của nền kinh tế và là một lợi thế của Đắk Nông. Hiện nay, tỉnh có các loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su. Tỉnh có nhiều loại cây ăn quả đạt năng suất, chất lượng cao.
Thời gian qua, nông sản của Đắk Nông đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, các nước cũng ngày càng khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Vì vậy, các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, ban hành các văn bản hướng dẫn thiết lập vùng trồng và trình tự thủ tục đăng ký cấp mã vùng trồng cho nông sản.