Kinh tế

Nông dân Thuận Hà thành công với cà rốt VietGAP

Văn Tâm 14/12/2023 05:20

Từ nguồn kinh phí Khuyến nông Trung ương năm 2023, 20 hộ dân xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông) được hỗ trợ trồng 10 ha cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP.

ADQuảng cáo
ca-rot-thuan-ha-1-.jpg
Cây cà rốt thích ứng với điều kiện khí hậu, ít sâu bệnh, mang lại thu nhập khá cho người dân xã Thuận Hà (Đắk Song)

Sau khi thu được kết quả khích lệ từ việc triển khai mô hình trồng cà rốt tại huyện Tuy Đức vào năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đăk Nông tiếp tục triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Đắk Nông” ở xã Thuận Hà.

Gia đình ông Vũ Thanh Hoài ở thôn 7, xã Thuận Hà là hộ chuyên sản xuất rau, củ, quả từ nhiều năm nay. Khi dự án khuyến nông sản xuất rau an toàn triển khai trên địa bàn, ông Hoài đã tham gia trồng hơn 5 sào cà rốt.

Từ khi triển khai mô hình đến lúc thu hoạch, ông Hoài được tham gia các lớp tập huấn, tọa đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm, hội thảo đầu bờ... để nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hoài cho biết: “Khi Dự án triển khai tại xã, tôi đã tham gia trồng 5 sào cà rốt. Ban đầu dự định là trồng thử nghiệm, nhưng không ngờ cây cà rốt phát triển khá tốt tại địa phương”.

Sau 3 tháng trồng, trên 5 sào cà rốt, ông Hoài thu hoạch 17,5 tấn củ, giá bán 7.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 60 triệu đồng. Mức thu nhập này khá cao so với các loại rau, củ, quả khác mà ông đã trồng.

“Thuận Hà là vùng chuyên canh rau, quả, nhưng cây cà rốt chưa được trồng tại địa phương. Với điều kiện khí hậu, cơ sở hạ tầng lẫn kinh nghiệm của bà con, cây cà rốt có nhiều tiềm năng phát triển”, ông Hoài chia sẻ.

ADQuảng cáo

Bên cạnh mô hình trồng cà rốt ở xã Thuận Hà, Trung tâm Khuyến nông còn triển khai mô hình sản xuất cải bắp đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 6 ha cho 12 hộ tham gia tại xã Đắk Ha (Đắk Glong).

ca-rot-thuan-ha2-1-.jpg
Mô hình cà rốt được người dân đánh giá cao, được doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm và khả năng nhân rộng cao

Theo ông Đặng Ngọc Giáp ở thôn 1, xã Đắk Ha, khi tham gia mô hình người dân đã nhận thức rõ về vai trò của liên kết sản xuất, nhu cầu của người tiêu dùng để sản xuất có trách nhiệm hơn, biết tuân thủ theo quy trình kỹ thuật và sản xuất theo kế hoạch hợp đồng bao tiêu.

Với 5 sào cải bắp, ông Giáp thu hoạch được 15 tấn, giá bán 5.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận mang về gần 50 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện - Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk, các mô hình được Nhà nước hỗ trợ 70% về giống, các loại vật tư khác, người dân tham gia 30% kinh phí đối ứng. Để mô hình đạt kết quả tốt, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 40 hộ dân trong và ngoài mô hình tham gia. Thông qua tập huấn, bà con nắm được kỹ thuật sản xuất cà rốt, cải bắp theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng thành công vào thực tế tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thảo cho hay: “Mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở để hình thành vùng nguyên liệu tại các vùng sản xuất rau, củ quả lớn của tỉnh. Trung tâm đã phối hợp thành lập được 2 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với 36 thành viên tại 2 xã Thuận Hà và Đắk Ha, trên quy mô hơn 25ha”.

ca-rot-thuan-ha3-1-.jpg
Vườn cải bắp chuẩn bị cho thu hoạch của ông Đặng Ngọc Giáp ở thôn 1, xã Đắk Ha (Đắk Glong)

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Đắk Song, những năm qua, các mô hình khuyến nông đã từng bước tác động làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo phương pháp truyền thống sang sản xuất liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình cà rốt và cải bắp đã giúp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất rau, củ cho người dân, tạo ra sản phẩm được chứng nhận, hình thành vùng nguyên liệu rau bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bền vững và thân thiện với môi trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Thuận Hà thành công với cà rốt VietGAP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO