Vụ thu hoạch cà phê vừa qua, nhiều nhà vườn đối mặt với tình trạng năng suất, giá cả giảm mạnh. Sau vụ thu hoạch, nhiều hộ trồng cà phê bị lỗ nặng. Do đó, khi bước vào thời kỳ tái đầu tư cho vườn cây cho vụ mới, bà con đã lâm vào cảnh thiếu vốn trầm trọng.
Gia đình ông Y Jét, thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song), có 1,5 ha cà phê. Những năm trước đây, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được gần 8 tấn cà phê nhân. Vào thời điểm giá cả cà phê tăng cao, trừ tất cả các chi phí đầu tư, gia đình ông cũng thu lãi từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Việc đầu tư cho vườn cây khi ấy khá dễ dàng.
Nhưng vụ mùa năm nay, năng suất cà phê giảm thấp, mỗi ha chỉ thu được 2 tấn nhân. Cùng với đó, giá cà phê ở mức thấp, chỉ từ 30.000 – 34.000 đồng/kg, nên cả năm gia đình ông Y Jét chỉ thu về hơn 60 triệu đồng/ha.
Ông Y Jét cho biết: “Bây giờ vườn cà phê bước vào giai đoạn cần cung cấp nước tưới, phân bón, nhưng mới tiến hành đợt 1, tôi đã gặp khó khăn vì hết vốn. Còn những lần tiếp theo trong suốt mùa khô, gia đình không biết lấy gì để chăm sóc cho vườn cà phê nữa”.
Vườn cà phê của ông Điểu Biên, ở thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song) do thiếu vốn đầu tư, nên phát triển kém |
Còn gia đình ông Điểu Biên, cũng ở xã Trường Xuân, năm vừa rồi hơn 1 ha cà phê cũng gặp cảnh thất bát do mất mùa. Ông Biên cho biết, vườn cà phê sau khi thu hoạch sẽ bị còi cọc, không đủ sức để ra quả nếu không bón đủ phân. Thế nhưng, vụ thu hoạch cà phê vừa qua, gia đình chỉ đủ để trả nợ, nên hiện nay không còn khoản nào để tái đầu tư cho vườn cây.
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Dũng, thôn 9, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), với năng suất từ 3 – 3,5 tấn/ha, kèm mức giá trên dưới 30.000 đồng/kg như hiện nay, thu nhập của người trồng cà phê chỉ vào khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ.
Trong khi đó, chi phí chăm sóc vườn cà phê đã lên đến 50 – 60 triệu đồng/năm. “Sau khi thanh toán các khoản công nợ, trả tiền nhân công cuối vụ nên số còn lại của gia đình không được bao nhiêu, không đủ để tái đầu tư cho vụ sau”, ông Dũng cho biết.
Tình trạng thu không đủ chi đã lặp đi lặp lại đối với các hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua. Bởi gần 10 năm nay, giá cà phê chỉ dao động ở mức trên trên dưới 30.000 đồng/kg.
Cùng với đó, sâu bệnh, dịch hại cũng phát sinh nhiều ở những khu vực rẫy cà phê của người dân. Do đó, nhiều năm qua, phần lớn người trồng cà phê chỉ đầu tư sản xuất cầm chừng để giảm bớt thua lỗ.
Cũng theo ông Dũng, vài năm trở lại đây, có một số hộ dân do thiếu vốn, nên việc chăm sóc cho cây cà phê trong mùa khô không bảo đảm. Ngoài việc thiếu phân bón cho cây phát triển, có hộ còn cắt giảm nước tưới, nên vườn cây sinh trưởng kém, năng suất cũng vì vậy mà giảm theo.
Theo bà con nông dân, mặc dù vụ thu hoạch cà phê kết thúc chưa bao lâu, nhưng có nhiều hộ phải đi vay vốn bên ngoài để tái đầu tư cho vườn cây. Thực trạng này đã trở thành cái vòng luẩn quẩn mà người trồng cà phê chưa biết khi nào mới thoát ra được.
Điều đáng lo ngại là, nhiều hộ dân không còn đủ điều kiện để vay vốn sản xuất từ ngân hàng, nên buộc phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao. Trong bối cảnh giá cà phê thất thường, mất mùa, nên nhiều gia đình dần mất khả năng trả nợ, cuộc sống trở nên túng quẫn hơn...